Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ các chương trình, dự án và chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp của Nhà nước, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn đã được hỗ trợ rất nhiều nhờ Chương trình khuyến công Quốc gia. Với Thái Nguyên, 5 năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng chung tay, góp sức tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngay trong những tháng đầu năm 2010, từ nguồn vốn khuyến công Quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức hỗ trợ một phần kinh phí trị giá 250 triệu đồng cho Công ty thức ăn chăn nuôi Nam Việt (T.X Sông Công) mua sắm thêm thiết bị phục vụ sản xuất. Nhờ có động lực từ sự hỗ trợ của Chương trình khuyến công nên Công ty đã quyết định bỏ vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền mới hiện đại hơn, cho hiệu quả cao hơn. Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, nguồn vốn từ Chương trình khuyến công đã dành 90 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho cán bộ, công nhân viên Doanh nghiệp tư nhân sản xuất trà Hạnh Nguyệt (T.X Sông Công). Mặc dù các lớp đào tạo trong chương trình khuyến công chủ yếu là ngắn ngày nhưng lại được tổ chức bài bản, phù hợp với nhu cầu nên đã giúp ích rất nhiều cho cán bộ, CNVC, người lao động của doanh nghiệp nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Được biết, đây chỉ là hai trong hàng chục mô hình, dự án với kinh phí hàng tỷ đồng mà hoạt động khuyến công sẽ hướng tới năm nay.
Còn nhớ, năm 2008, năm được xem là thành công của hoạt động khuyến công trên địa bàn, từ nguồn kinh phí địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp của tỉnh đã dành 1,7 tỷ đồng hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển. Trong đó, nhớ nhất là Chương trình hỗ trợ lập 2 dự án đầu tư: Mở rộng sản xuất và xử lý môi trường của Nhà máy xi măng lò đứng thuộc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn và đầu tư mở rộng sản xuất của Công ty Xây dựng và khai thác than Thái Nguyên. Ngoài ra, là việc hỗ trợ hoàn thiện, trình diễn mô hình sản xuất chè túi lọc tự động của Công ty CP tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình; hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật Nhà máy thuỷ điện quy mô nhỏ của Công ty CP Thuỷ điện Núi Cốc (tại T.P Thái Nguyên); mô hình đầu tư thiết bị cải tiến công nghệ của Công ty CP Xi măng Cao Ngạn; hỗ trợ quảng bá và giới thiệu sản phẩm sàn gỗ cao cấp của HTX Long Đại (tại huyện Võ Nhai). Các doanh nghiệp tham gia Chương trình khuyến công thời gian qua đều khẳng định, mặc dù sự hỗ trợ là không nhiều nhưng những đóng góp, động viên của Chương trình là rất cần thiết và thiết thực. Nó tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn vượt qua khó khăn, sản xuất ổn định.
Ông Phí Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy điện Núi Cốc cho biết: Năm 2008, Chương trình khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ chúng tôi 150 triệu đồng mua thiết bị và xây dựng thiết kế dự án. Mặc dù kinh phí không đáng kể so với tổng dự án nhưng thực sự là nguồn động viên, kích thích đối với chúng tôi. Tháng 9-2009, Nhà máy thủy điện của chúng tôi đã chính thức đi vào hoạt động, bước đầu cho hiệu quả tôt. Là doanh nghiệp, chúng tôi rất mong có nhiều chương trình hỗ trợ tương tự của Nhà nước để có thể tạo tâm lý ổn định cho doanh nghiệp đứng vững trong cơ chế thị trường. Trong dịp đơn vị hoàn thành Dự án sản xuất chè túi lọc tự động, Dự án có sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, trước sự chứng kiến của nhiều quan khách, bạn hàng, ông Vũ Dương Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình khẳng định: Chương trình khuyến công chính là người bạn góp sức cùng doanh nghiệp, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhờ có sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ Chương trình khuyến công mà đơn vị chúng tôi đã được tiếp cận sớm hơn với kỹ thuật sản xuất chè túi lọc tự động, đảm bảo chất lượng và tiến độ sản phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Theo đánh giá của ngành Công thương thì trong 5 năm, từ 2005 đến 2009 toàn tỉnh đã thực hiện và hoàn thành 83 đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 441 tỷ đồng. Trong đó có 24 đề án khuyến công Quốc gia và 59 đề án khuyến công địa phương. Mục tiêu và nội dung mà Chương trình khuyến công hướng tới chính là hỗ trợ doanh nghiệp lập dự án đầu tư, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật... Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công cho hay: Công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có sự chuyển biến rõ rệt. Số đề án khuyến công cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ ngày càng tăng. Từ chỗ năm 2005 cả tỉnh chỉ có 1 đề án khuyến công được thực hiện với kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng đến năm 2009 đã có 34 đề án được triển khai với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Trên cơ sở Quyết định của Chính phủ về Chương trình khuyến công Quốc gia đến năm 2012, tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm này sẽ thực hiện 150 đề án khuyến công với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng.