Hướng phát triển mới cho người trồng rau ở Linh Sơn

08:12, 24/05/2010

Với 30 ha đất chuyên trồng rau, 200 ha đất trồng rau 1 vụ, Linh Sơn (Đồng Hỷ) được coi là vùng trồng rau trọng điểm của tỉnh, mỗi năm cung cấp 30% tổng lượng rau cho thị trường T.P Thái Nguyên.

 

Có dịp về Linh Sơn vào những ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi cảm thấy thích thú vô cùng khi được ngắm không chán mắt những luống rau cải non mỡn, những giàn mướp hương sai trĩu quả… Chị Đào Thị Gái, một người dân trồng rau trong xã cho hay: Trồng rau màu mang lại giá trị kinh tế cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với cấy lúa. Hiện nay, thu nhập của nhiều hộ dân trong xã phụ thuộc chủ yếu vào trồng rau màu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ trồng rau theo phương pháp truyền thống. Còn trồng rau an toàn thì rất ít hộ thực hiện được vì kinh phí đầu tư lớn nên giá bán ra cao hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa tin tưởng sử dụng loại rau này.

 

Việc sản xuất rau của các hộ dân ở Linh Sơn chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm, chưa áp dụng đúng tiến bộ kỹ thuật; sản xuất chưa mang tính hợp tác, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa, hiệu quả sản xuất chưa cao. Tuy nhiên, cơ hội được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn đang đến với người dân nơi đây khi năm 2010, Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp Thái Nguyên lựa chọn Linh Sơn là nơi thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình rau an toàn theo quy trình VietGap”. Nói về lý do lựa chọn Linh Sơn thực hiện Dự án, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm cho biết: Linh Sơn là xã phía Nam của Đồng Hỷ, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm rau xanh an toàn vì nơi này là cửa ngõ phía Đông của T.P Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố 2km, có trục đường giao thông thuận lợi nối liền với chợ rau đầu mối Túc Duyên (T.P Thái Nguyên).

 

Song song với đó, Linh Sơn thuộc lưu vực sông Cầu, nơi có nhiều tiềm năng thuận lợi đối với nghề trồng rau như đất phù sa màu mỡ, thích hợp cho việc trồng nhiều loại rau xanh quanh năm; người dân vùng quê này cần cù, chăm chỉ, có truyền thống trồng rau lâu đời.

Được biết, Dự án này được thực hiện trên diện tích 5 ha, với 50 hộ dân tham gia. Nguồn kinh phí thực hiện dự án trên 920 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp đối ứng (giống, vật tư phân bón) trên 300 triệu đồng. Dự kiến, sau 1 năm thực hiện, Dự án sẽ cung cấp cho thị trường 150 tấn rau các loại đảm bảo chất lượng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sau 4 tháng triển khai, các hộ dân tham gia Dự án đã được tập huấn cách sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; đang bắt đầu sản xuất các loại rau an toàn tự nhiên ngoài đồng ruộng và rau an toàn trái vụ trong vòm che.

 

Tuy đang là giai đoạn đầu, nhưng hiệu quả rõ nét nhất chúng tôi cảm nhận được là Dự án này đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về sản xuất rau an toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững, làm đất đai tơi xốp hơn. Ngoài ra, việc thực hiện Dự án sẽ tạo ra sản phẩm an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân T.P Thái Nguyên và các vùng lân cận; tạo cơ hội để người nông dân làm quen với kinh tế thị trường về sản xuất hàng hóa, mở ra hướng sản xuất rau hàng hóa được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh; làm địa chỉ tham quan học tập cho nông dân trong tỉnh. Theo kế hoạch, Dự án sẽ còn tiếp tục được mở rộng không chỉ trên địa bàn xã Linh Sơn mà ra cả các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng tương tự.