Khó thành công nếu chưa giải quyết được vấn đề vốn

09:33, 01/05/2010

Năm 2007, kết quả xuất khẩu lao động của Thái Nguyên đột ngột tụt giảm trên 700 người so với năm 2008 nên năm 2010, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đưa 2.000 người đi xuất khẩu lao động (thấp hơn so với chỉ tiêu Đề án xuất khẩu lao động của tỉnh là 500 người) nhưng vẫn lo không đạt chỉ tiêu…

 

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đạt thấp trong khi một số tỉnh bạn lại gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực này?

 

Nếu 2 năm trước, vấn đề một số người lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro như: tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc do thiếu việc làm phải về nước trước thời hạn gây hoang mang cho người lao động  trên địa  bàn thì đến giữa năm 2008 vấn đề này đã được giải quyết. Đặc biệt là để chia sẻ khó khăn với người lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu và chính quyền các địa phương đã đồng ký cam kết hỗ trợ người lao động khi gặp rủi ro và thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ như miễn giảm tiền học ngoại ngữ, tiền làm hộ chiếu, khám sức khỏe… nhưng số lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2009 và từ đầu năm đến nay vẫn rất khiêm tốn. Tìm hiểu căn nguyên của vấn đề này, chúng tôi được biết nhu cầu đi xuất khẩu lao động để tăng thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn cao, nhất là người dân nông thôn nhưng một trong những trở ngại đối với công tác này là người lao động thiếu vốn.

 

Với số lượng khoảng 2.500 lao động đi xuất khẩu hàng năm thì nhu cầu vốn vay tối thiểu là trên 70 tỷ đồng và nếu người lao động có nhu cầu đi làm việc tại các thị trường có mức thu nhập cao như: Nhật Bản; Tây Âu hoặc Bắc Mỹ thì số vốn  còn cao gấp nhiều lần. Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin: “Khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động còn nhiều nhưng điều bức xúc nhất chính là việc giải quyết vốn cho người lao động vay. Thông thường chi phí cho 1 người đi xuất khẩu lao động tối thiểu phải mất từ 25 triệu đồng trở lên nhưng một số trường hợp chỉ được ngân hàng cho vay 10 triệu đồng hoặc bị từ chối cho vay…”.

 

Ở cương vị trực tiếp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động, ông Phạm Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh lại bức xúc: “Tôi đã phải dùng uy tín cá nhân để cam kết nhận nợ cho một lao động ở xã Tân Long, Đồng Hỷ với số tiền 500USD vì đến lịch bay nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ chỉ đồng ý cho lao động vay trên 10 triệu đồng trong khi phí cao gấp 3 lần. Mới đây có thêm một trường hợp lao động nữa ở xã Thượng Đình, Phú Bình đã hoàn tất thủ tục đi xuất khẩu theo quy định nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình không giải ngân vì một vài lý do về thủ tục hành chính và nhiều lao động khác chưa được vay vốn khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động”.

 

Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng Chính sách - Xã hội tạo điều kiện để người lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động (riêng với các đối tượng chính sách như: gia đình có công với cách mạng; hộ nghèo được vay vốn đi xuất khẩu lao động là 30 triệu đồng/người mà không phải thế chấp tài sản; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho vay dưới 20 triệu không cần tài sản thế chấp) nhưng trong thực tế nhiều ngân hàng vẫn yêu cầu người lao động phải “ký gửi” Giấy chứng nhận quyền sử đất vì mục tiêu bảo toàn nguồn vốn. Với những trường hợp có nhu cầu vay số vốn lớn hơn hạn mức để đi xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập cao, trong quá trình thẩm định tài sản, cán bộ tín dụng của các ngân hàng lại quá thận trọng nên mất nhiều thời gian. Khi trao đổi với chúng tôi, đại diện Chi nhánh Ngân hàng - Chính sách Xã hội tỉnh và đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hoá đều khẳng định không thiếu vốn phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động nhưng điều mấu chốt là khách hàng phải đủ các điều kiện khi vay vốn (trong đó có điều kiện về tài sản thế chấp khi vay quá hạn mức theo quy định). Ngay khi ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh kiến nghị nâng mức cho vay tối thiểu để lao động đi làm việc ở nước ngoài lên 40  triệu đồng/người, các ngân hàng vẫn khẳng định không thiếu vốn cho vay phục nhu cầu  này (có năm Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phải trả lại Trung ương tới 20 tỷ đồng vì không giải ngân được). Vốn cho vay không thiếu nhưng ngay trong những tháng đầu năm 2010 vẫn có lao động trong tỉnh không đi xuất khẩu được vì không có tiền trả các khoản chi phí ban đầu!

 

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động có tài sản bảo lãnh để sẵn sàng chia sẻ khó khăn khi người lao động làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro, đại diện cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đồng ký cam kết bảo lãnh cho người lao động nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu về việc cho vốn vay. Trong khi chúng ta còn loay hoay giải bài toán về vốn cho người lao động vay đi xuất khẩu lao động thì ở số tỉnh như: Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An lĩnh vực này lại đang ngày một thành công, góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.