Làm giầu trên đất quê hương

15:08, 16/05/2010

Trong cái nắng tháng 4, chúng tôi đến  thăm gia đình chị Nguyễn Thị Ninh, xóm Kè, phường Thắng Lợi, T.X Sông Công, một mô hình làm kinh tế giỏi,  hiện chị là chủ hai lò gạch thủ công với công suất 16 vạn gạch/đợt (ảnh).

Tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương. Mỗi năm từ chi phí gia đình chị Ninh thu về trên 100 triệu đồng.

 

Nói về quá trình đến với nghề, chị Ninh cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình tôi phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có hơn 1 mẫu ruộng, nhưng do thiếu nước, đất trồng cằn cỗi nên hiệu quả kinh tế rất thấp, cái nghèo cứ đeo bám, nhất là khi hai đứa con lần lượt chào đời.  Trong khi đang tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng tôi thấy một số  người dân ở nơi khác đến xóm mình mua đất, xây lò và sản xuất gạch rất có hiệu quả. Tìm hiểu thấy bên xóm Vượng có vài  ba hộ cũng từ nơi khác đến mua đất, thuê đất làm gạch. Tôi nghĩ, họ từ nơi khác đến còn làm được trong khi mình ở đây có điều kiện thuận lợi hơn sao lại không làm được. Tháng 4-2006, sau khi tìm hiểu, học hỏi  kinh nghiệm, tôi bàn với chồng vay mượn xây 1 lò gạch công suất 7 vạn viên với tổng mức đầu tư gần 100 triệu đồng, rồi thuê máy múc đất, mua phên che lò, mua than.... Mẻ gạch đầu tiên do thiếu kinh nghiệm chia tỷ lệ than/ gạch nên khi ra lò chỉ được 50% sản phẩm đạt yêu cầu. Thất bại lần đầu những cũng giúp tôi có thêm kinh nghiệm, qua mỗi mẻ gạch ra lò tôi lại đúc rút cho mình những bài học nghề quý, nhờ vậy mà ngay trong năm 2006, sau khi trừ chi phí tôi đã gần hoàn được vốn đầu tư ban đầu. Trung bình 1 năm tuỳ vào thời tiết gia đình tôi đốt được từ 8 đến 10 lò, mỗi lò trừ chi phí thu được  từ 7 đến 10 triệu đồng.

 

Sau hai năm (2007, 2008), chị đã tích luỹ được gần 200 trăm triệu đồng. Có vốn, năm 2009, gia đình chị quyết định đầu tư thêm một lò gạch mới có công suất 9 vạn viên. Để duy trì hoạt động hai lò gạch này, chị thuê thêm 18 nhân công với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người /tháng. Chị đầu tư một máy đùn gạch liên hoàn 16 triệu đồng, công suất  đạt  1 vạn rưỡi đến 2 vạn viên một ngày.

 

Khi chúng tôi hỏi về kinh nghiệm đảm bảo cho gạch đẹp, chất lượng tốt, chị Ninh chia sẻ: “Gạch có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng than đốt, và tỷ lệ than/gạch. Nếu là than tốt, chia tỷ lệ 7 viên gạch/1 viên than. Còn với loại than xấu (than đã qua lửa) thì chia tỷ lệ 4 viên gạch/1 viên than”.

 

Với mẫu mã đẹp, giá hợp lý, từ 5-7 triệu đồng/vạn viên phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nên gạch của gia đình chị, hầu như không bao giờ tồn đọng. Thấy gia đình chị làm gạch hiệu quả, hai hộ trong xóm đã đến học hỏi kinh nghiệm và hiện cũng phát triển kinh tế bằng nghề làm gạch như gia đình chị Ninh.

 

Chị Ninh cho biết thêm: Để giảm bớt chi phí không cần thiết, sắp tới gia đình tôi dự định sẽ mua một chiếc xe ô tô chở hàng để vận chuyển đến tận nơi theo nhu cầu của khách. Còn về lâu dài vì đất để làm gạch cũng có hạn nên, cùng với việc duy trì hai lò gạch tôi đầu tư thêm vào chăn nuôi, cuối năm 2009, tôi đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi thêm gia súc- gia cầm. Hiện nay trong chuồng nhà tôi có 40 con lợn thịt dự kiến sẽ cho xuất chuồng vào tháng sau và 4 con lợn nái sinh sản…