Minh Lập vươn lên trong phát triển kinh tế

15:51, 07/05/2010

Cách đây 5 năm, tôi đã có dịp về xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Hôm đó, trời vừa dứt mưa phải vất vả hơn 1 tiếng đồng hồ lúc về số 1, lúc lên số 2, chúng tôi mới điều khiển được chiếc mô tô đến được trụ sở UBND xã. Còn hôm nay, con đường vào xã đã được trải nhựa phẳng lỳ. Chúng tôi cho xe chạy chầm chậm để ngắm cảnh hai bên đường.

 

Về miền quê thuần nông Minh Lập vào những ngày chớm hè, ánh nắng không chói chang nhưng đủ để làm cho màu xanh của những ruộng lúa, ngô 2 bên đường lung linh, sóng sánh. Trên các triền đồi, những luống chè cũng đang trổ búp non mỡn. Nhìn những đồi chè được chăm sóc tỷ mỷ, ngay hàng, thẳng lối, chúng tôi hiểu, cây chè đang là cây kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Sản phẩm chè của Minh Lập, đặc biệt là sản phẩm chè búp khô ở xóm Trại Cài với hương thơm, vị đậm đã từng đoạt nhiều giải cao trong các hội thi của tỉnh, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Theo ông Đặng Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã, Minh Lập hiện có 334 ha chè kinh doanh, năng suất đạt 95 tấn chè búp tươi/năm, sản lượng đạt 3.173 tấn, tăng 3,76% so với năm 2008.

 

Nói về ý nghĩa của cây chè trong đời sống kinh tế của gia đình mình, ông Nguyễn Đức Đeng, người dân xóm Sông Cầu tâm đắc: Cây chè không chỉ giúp chúng tôi xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp chúng tôi vươn lên làm giàu. Hiện tại, gia đình tôi có 1 ha chè, một năm cho thu 7 lứa, mỗi lứa trên dưới 1 tạ chè búp khô; trừ phí đầu vào như phân bón, thuê nhân công hái chè…, gia đình tôi lãi khoảng 40 triệu đồng/năm. Để cây chè ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân sản xuất chè ở Minh Lập đang mạnh dạn chuyển một phần diện tích chè trung du đã thoái hóa, xuống cấp sang trồng chè cành, trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm xã trồng mới được gần 2 ha chè cành các loại.

 

Bên cạnh cây chè, việc đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng cho cây lúa cũng đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu đáng kể. Theo báo cáo mới nhất của xã, đến thời điểm này, Minh Lập có 451 ha đất cấy lúa cả năm. Nhờ đưa các giống lúa cho năng suất cao vào gieo cấy, chăm bón lúa đúng kỹ thuật, năm 2009, năng suất lúa của xã đạt trên 48 tạ/ha, sản lượng đạt 2.182 tấn, tăng hơn 3% so với năm 2008. Không chỉ đầu tư thâm canh cây lúa, nhiều hộ còn mạnh dạn chuyển các diện tích đất khó khăn về nước tưới sang trồng ngô và các loại cây có khả năng chống chịu hạn tốt như đậu tương, khoai tây, rau màu... Năm 2009, địa phương đã trồng được gần 106 ha ngô, năng suất đạt trên 41 tạ/ha, tăng so với năm 2008 khoảng 1 – 2 tạ/ha; gần 70 ha cây màu các loại…

 

Anh Nguyễn Văn Bắc, ở xóm Ao Sơn cho hay: Gia đình tôi có 10 sào ruộng, tôi chỉ cấy lúa 7 sào, còn 3 sào trồng ngô, dưa chuột. Riêng 1 sào dưa chuột tôi trồng trong vụ xuân đến nay đã cho thu nhập gần 2 triệu đồng, cao gấp rưỡi so với cấy lúa. Thu nhập từ lúa, ngô… tôi dành để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, còn thu nhập từ 1 mẫu chè (khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm) để tích luỹ, chi tiêu vào các việc lớn của gia đình…

 

Không chỉ phát triển mô hình kinh tế kết hợp giữa chè, lúa, cây màu, nhiều hộ dân trong xã còn đầu tư khá lớn vào chăn nuôi gia cầm và lợn theo hình thức bán công nghiệp. Đến đầu năm 2010, xã có gần 1.000 con trầu, bò; 7.000 con lợn; 124 nghìn con gia cầm.

 

Biết phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, người dân Minh Lập đã có cuộc sống khấm khá hơn. Đến năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 10,3 triệu đồng/người; tăng trưởng kinh tế của xã đạt 12%... Với đà phát triển này, năm 2010, xã tiếp tục hướng tới mục tiêu: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 11,5 triệu đồng/người; tăng trưởng kinh tế đạt 12%; sản lượng chè đạt gần 3.300 tấn; sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 2.100 tấn; giảm 4% hộ nghèo…

 

Chúng tôi chia tay Minh Lập khi mặt trời đỏ lựng như quả hồng chín đã xuống thấp ở dãy núi phía Tây. Hoàng hôn buông xuống như khoác lên cho miền quê này một bức tranh đầy màu sắc mà ở đó, “gam màu no đủ” đang hiện hữu trong mỗi nếp nhà của người dân nơi đây.