Ngân hàng quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) được thành lập ngày 6-5-1951 theo sắc lệnh số 15/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Ban đầu, Ngân hàng có nhiệm vụ chủ yếu: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý Kho bạc Nhà nước; huy động vốn và cho vay phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hoá trong điều kiện nền kinh tế kháng chiến.
Từ đó đến nay, hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng đã có sự thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Với truyền thống năng động, sáng tạo, ngành Ngân hàng đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) trong từng thời kỳ cách mạng.
Ở tỉnh ta, quy mô tổ chức, chức năng, nhiệm vụ hoạt động của ngành Ngân hàng không ngừng phát triển. Đến cuối năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã có 5 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN); 3 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) chi nhánh Thái Nguyên; 4 phòng giao dịch NHTMCP ngoài tỉnh tại Thái Nguyên; 2 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 1 Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH), 1 NH phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên (NHPTBKTN); 51 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh NHTM; 10 điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm; 61 máy ATM. Tổng nguồn vốn hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tính đến 19-4-2010 đạt 11.622 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 8.383 tỷ đồng, tăng 7,8 lần so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 25%; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 16.145 tỷ đồng, tăng trên 9,7 lần so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt mức bình quân trên 23%.
Trong năm 2009, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm chủ động ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Với quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận. Thực hiện gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại địa phương, Ngân hàng đã triển khai tích cực, thực hiện ngay từ ngày 1-2-2009, kết quả đến ngày 31-12-2009 dư nợ cho vay HTLS của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đạt 4.429 tỷ đồng, chiếm 40,65% tổng dư nợ cho vay bằng đồng việt Nam (trừ Ngân hàng CSXH và NHPT BKTN). Tổng số khách hàng là tổ chức và cá nhân được vay vốn HTLS là 44.448 khách hàng; số tiền đã hỗ trợ cho tổ chức và cá nhân là 126,675 tỷ đồng. Sang năm 2010, ngành Ngân hàng Thái Nguyên vẫn tiếp tục thực hiện cho vay HTLS đối với tín dụng trung, dài hạn theo chỉ đạo của Chính phủ. Riêng trong quý I/2010, dư nợ cho vay HTLS đạt 1.003 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ là 19,6 tỷ đồng.
Về dịch vụ thanh toán, giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt so với cuối năm 2008 đạt 100.707 tỷ đồng, tăng 26,61%. Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 1.041.947 món, tăng 43,33%. Về doanh số thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng: doanh số “nợ” đạt 20.654 tỷ đồng, tăng 40,4%, doanh số “có” đạt 21.620 tỷ đồng, tăng 38,9%. Doanh số thanh toán bù trừ đạt 14.483 tỷ đồng, tăng 33,2%.
Đạt được những kết quả trên là nhờ có quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, cùng với những nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lao động ngành Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình, dự án của tỉnh để tập trung vốn tín dụng đầu tư và cho vay có hiệu quả; tham mưu với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các hoạt động tiền tệ và ngân hàng bảo đảm an toàn hệ thống. Tổ chức thực hiện tốt Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020; các biện pháp về ổn định thị trường ngoại hối; mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng hợp lý; triển khai tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... Qua đó ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương hàng năm và thực hiện tốt chính sách tiền tệ Quốc gia.
Phát huy thành tích đã đạt được trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, thời gian tới ngành Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành các công cụ, chính sách tiền tệ của NHNN theo hướng chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 20% và tín dụng khoảng 25%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý bảo đảm an toàn hệ thống, phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT - XH năm 2010 của tỉnh đã đề ra.