Phát triển công nghiệp nhìn từ góc độ đầu tư

08:28, 18/05/2010

Thực hiện cơ cấu kinh tế lấy công nghiệp làm chủ đạo, trong những năm qua tỉnh ta đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lĩnh vực này. Theo đánh giá chuyên môn, trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm của tỉnh thì đầu tư cho ngành công nghiệp chiếm tới 60%. Đây là điều kiện, tiền đề quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

 

Trong khoảng thời gian 4 năm qua, nhờ những chính sách ưu đãi của tỉnh mà đã có không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến Thái Nguyên. Gần đây nhất là một loạt các tập đoàn, công ty có uy tín trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sau khi đi khảo sát thực tế đã chọn Thái Nguyên làm điểm dừng chân lâu dài. Đó là Tập đoàn Vinaxuki, Công ty cổ phần may Shinwon - Hàn Quốc, Công ty Wiha- Việt Nam và nhiều nhà đầu tư khác đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… Hiện tại đã có nhiều dự án đầu tư sản xuất được triển khai và hoàn thành, góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh.

 

Tính đến nay toàn tỉnh có khoảng gần 30 dự án vốn FDI với tổng vốn đăng ký trên 320 triệu USD. Trong hai năm 2008, 2009, cả tỉnh đã có khoảng  50 dự án công nghiệp của các nhà đầu tư trong nước triển khai tại tỉnh với số vốn đăng ký lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào các ngành khai khoáng, luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, có tới trên 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng và luyện kim với tổng vốn trên 10 ngàn tỷ đồng. Đơn vị luyện kim lớn nhất và có mức độ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên cũng đang trong quá trình đầu tư mở rộng với nguồn vốn khổng lồ, khoảng gần 43 triệu USD. Thời điểm này, 7/7 hạng mục đầu tư giai đoạn II của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã và đang được thi công và hoàn tất các thủ tục cần thiết. Đó là hạng mục xây dựng bãi chứa nguyên liệu, hệ thống thiêu kết quặng, các hạng mục luyện gang, luyện thép, luyện cốc, sản xuất ôxi. Ngoài ra, tại Khu công nghiệp nặng này, nhà đầu tư là Công ty cổ phần cán thép Thái Trung đã bỏ ra khoảng 1.270 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy cán thép lớn nhất Việt Nam hiện nay với công suất 500 nghìn tấn thép cán/năm.

 

Cùng với đó là việc nhiều doanh nghiệp dân doanh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp với giá trị lớn. Phải kể đến đầu tiên là Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện An Khánh (An Khánh-Đại Từ) do Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến lên tới 2.300 tỷ đồng, công suất thiết kế 100 MW. Một loat các dự án công nghiệp khác cũng đang được triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động là: Nhà máy luyện gang Hoa Trung, luyện gang Nam Hòa (Đồng Hỷ), Nhà máy luyện Fromanggan (T.X Sông Công), Nhà máy luyện xỉ titan Cây Cham (Phú Lương)… Những dự án này hoàn thành và đi vào sản xuất sẽ góp phần giải quyết một lượng lớn việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách và tạo các sản phẩm thế mạnh có sức cạnh tranh cao cho tỉnh.

 

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chọn lĩnh vực này để đầu tư. 4 năm gần đây đã có hàng chục nghìn tỷ đồng mở rộng và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như: Nhà máy xi măng Quang Sơn, Nhà máy xi măng La Hiên, Nhà máy gạch tuynel Phổ Yên, Nhà máy xi măng Quan Triều, Nhà máy tấm lợp Lưu Xá…

 

Ngoài ra, các dự án công nghiệp nhẹ như may mặc, đồ gỗ gia dụng cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là một điển hình. Tháng 4-2010, Công ty này đã khởi công Dự án Nhà máy may TNG Phú Bình với tổng mức đầu tư 214 tỷ đồng, công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Như vậy, khi nhà máy này đi vào sản xuất khoảng đầu năm 2011, Công ty sẽ sở hữu khoảng 172 chuyền may, trở thành một trong những nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất Việt Nam.

 

Quả thật, xét về khía cạnh đầu tư, ngành công nghiệp của chúng ta không mấy thua kém so với nhiều tỉnh trong khu vực và cả nước. Hơn nữa, chúng ta đang thực hiện một loạt các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh, đồng thời quan tâm giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, nhất là ở khu vực nông thôn, các làng nghề... nên việc phát triển ngành công nghiệp của tỉnh thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc.

 

Được biết, tỉnh đang thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp theo định hướng tăng cường đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường đối với các ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim, cơ khí chế tạo. Xác định công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng là hướng phát triển mới, chủ lực của tỉnh; tiếp tục mở rộng quy mô ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp; khuyến khích sử dụng lao động khoa học và công nghệ tiến tới hình thành các dự án công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong phát triển công nghiệp...