Phát triển làng nghề: Nhiều nhưng chưa mạnh

08:09, 20/05/2010

Theo công bố mới nhất của Chi cục phát triển nông thôn thì Thái Nguyên hiện nay có tới 121 làng nghề, nhưng thực tế mới chỉ có 12 làng nghề được công nhận. Điều đáng quan tâm là hầu hết các làng nghề này có quy mô quá nhỏ, giá trị sản xuất cũng như số lao động còn ở mức khiêm tốn, các sản phẩm chưa có thương hiệu, chất lượng và mức tiêu thụ rất hạn chế...

 

Hiện nay, huyện Phú Bình có ba làng nghề đang hoạt động: Làng nghề HTX mây tre đan xã Tân Đức, chuyên sản xuất các mặt hàng song xiên, mây tre xuất khẩu; làng nghề Xuân La sản xuất vật liệu xây dựng với sản phẩm gạch chỉ, ngói mũi và làng nghề Phương Độ (xã Xuân Phương) sản phẩm làm ra là đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Trong những năm qua, cả ba làng nghề này đều hoạt động và có những chuyển biến tích cực, song tốc độ còn quá chậm. Theo đánh giá của chính quyền địa phương thì do xuất phát điểm thấp, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, đầu ra bị lệ thuộc nên từ nhiều năm nay các làng nghề trên hoạt động theo hướng tự phát là chính. Tổng vốn đầu tư của cả ba làng nghề này là khoảng 192 tỷ đồng, thấp so với nhu cầu vốn sản xuất của người lao động trong làng nghề. Trong số 600 hộ dân sinh sống trong làng nghề thì chỉ có 225 hộ dân làm nghề, chiếm tỷ lệ khoảng 37,6%. Tương ứng với đó, số lao động làm nghề cũng chỉ chiếm khoảng 42,6% so với tổng lao động của các làng nghề. Tổng thu nhập của cả ba làng nghề đạt khoảng 24 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ làm nghề chiếm 64,9%.

 

Mặc dù quy mô và hoạt động chưa thực sự mạnh, nếu không muốn nói là ở mức trung bình, nhưng đây vẫn được xem là ba trong số ít làng nghề đứng ở tốp đầu của tỉnh hiện nay. Đối với một số địa phương khác như: Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ thì mức độ nhỏ lẻ của các làng nghề còn được thể hiện rõ nét hơn. Huyện Phú Lương hiện có 22 làng nghề nhưng tổng số vốn đầu tư chỉ có khoảng 143 tỷ đồng, thấp hơn so với ba làng nghề của huyện Phú Bình. Số hộ làm nghề ở đây là trên 1.900 hộ, chiếm khoảng 68% tổng số hộ của 22 làng nghề; số lao động làm nghề cũng chỉ chiếm khoảng 55,4%. Tổng thu nhập từ làm nghề của các làng nghề từ năm 2001 đến nay mới đạt trên 52 tỷ đồng, chiếm 56,8%. Tương tự vậy, huyện Đại Từ có 6 làng nghề với số vốn đầu tư trên 19 tỷ đồng, số hộ làm nghề chỉ chiếm trên 26% tổng số hộ của các làng nghề; huyện Đồng Hỷ có 20 làng nghề, số hộ làm nghề chỉ chiếm khoảng 50%...

 

Mặc dù số lượng làng nghề trên địa bàn tăng (năm 2002, toàn tỉnh chỉ có 27 làng nghề, năm 2004 là 30 làng nghề, nhưng đến nay đã là 121 làng nghề), nhưng nhìn chung trình độ sản xuất còn rất lạc hậu. Tỷ lệ làng nghề sản xuất mây tre đan, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, chè, đồ gỗ mỹ nghệ chiếm đa số nhưng mức độ đầu tư cơ giới hóa lại rất nhỏ bé, chủ yếu chỉ ở khâu sơ chế ban đầu như chẻ tre, cưa, xẻ gỗ...Trong những năm qua, nhiều làng nghề đã chú trọng đến đầu tư máy móc, thiết bị nhưng mới chỉ ở trình độ thấp, giữa các ngành và các vùng chưa đồng đều. Hoạt động của các làng nghề chúng ta hiện nay chủ yếu tổ chức theo hình thức hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, khó có khả năng phát triển đột biến. Ngoài ra, các làng nghề chủ yếu hoạt động theo kiểu sản xuất đại trà, thiếu các chuyên gia kỹ thuật, nghệ nhân, thợ lành nghề có thể cho ra đời các sản phẩm đặc biệt, đặc trưng của làng nghề.

 

Công bằng mà nói, thời gian qua vấn đề phát triển các làng nghề đã được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, song mức độ triển khai còn ở mức khiêm tốn. Việc hỗ trợ đầu tư thông qua hình thức vay vốn, áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cũng như hỗ trợ đào tạo nghề và định hướng phát triển còn chưa nhiều... Bởi vậy, để phát triển các làng nghề theo hướng bền vững đảm bảo cả về quy mô, chất lượng cũng như sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2020.

 

Trước tiên, ngoài tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các mặt hàng truyền thống, tại các làng nghề hiện có chúng ta sẽ phát triển thêm các ngành nghề khác như đồ gỗ mỹ nghệ và các mặt hàng cao cấp khác. Cùng với đó sẽ tăng tổng vốn đầu tư của các làng nghề lên gần 2 nghìn tỷ đồng, tăng số hộ làm nghề lên 74,3%, tăng tổng số lao động làm nghề lên 72%. Nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra, hàng năm tỉnh sẽ mở các lớp dạy nghề với kinh phí khoảng 300 triệu đồng (mở 9 lớp tại 9 huyện, thành, thị) đào tạo cho khoảng 300 lao động; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề như nhà xưởng, nhà trưng bày và giới thiệu hàng hóa, đường giao thông vào làng nghề, kéo điện lưới phục vụ sản xuất, hỗ trợ thiết bị máy móc... với tổng kinh phí khoảng 387 tỷ đồng. Ngoài ra, dựa trên nhu cầu về mặt bằng sản xuất, tỉnh sẽ đầu tư mặt bằng cho các làng nghề đang hoạt động và mới mở.