Quan tâm đến lợi ích “sát sườn” của hội viên

10:34, 04/05/2010

Sau lời giới thiệu qua về hoạt động của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội CCB xã đưa ra nhận xét: Hầu hết những CCB ở Phúc Xuân đều chấp hành tốt chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều người trở về quê hương khi đã để lại chiến trường một phần cơ thể hoặc mang trong mình những vết thương, mỗi khi trở trời lại đau nhức nhối song họ vẫn vượt qua nỗi đau, bệnh tật, tích cực phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu.

 

Lần đầu gặp gỡ và trò chuyện nhưng chúng tôi nhận thấy ở người CCB này tác phong rất nhanh nhẹn, hoạt bát của người lính dù ông đã rời xa quân quân ngũ khá lâu. Ông mang đến cho chúng tôi rất nhiều thông tin như: Năm 2009, Hội đã kết nạp được được thêm 30 hội viên, nâng tổng số hội viên lên gần 300 người; gần 98% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn văn hóa, trong đó 30 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu, chiếm 50% số hộ gia đình văn hóa tiêu biểu của xã; các hội viên đều được nghiên cứu các chuyên đề của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Tuy nhiên, thông tin chúng tôi quan tâm nhất là năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, Hội đã đứng ra tín chấp vay 350 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình Nước sạch môi trường cho 50 hộ dân ở xóm Trung Tâm, Đồng Lạnh, Xóm Giũa đầu tư xây dựng các công trình nước của gia đình; làm thủ tục cho 56 hộ vay 750 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình…

 

Nói về những hoạt động của Hội trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, CCB Vũ Đức Tân, Chi hội CCB xóm Cây Si cho hay: Giúp hội viên phát triển kinh tế chính là một trong những hoạt động thu hút hội viên tham gia vào tổ chức hội vì hoạt động này liên quan đến quyền lợi “sát sườn” của hội viên chúng tôi. Tôi thấy Hội CCB xã có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như đứng ra tín chấp với ngân hàng cho hội viên vay vốn để đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ; phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT chăn nuôi, trồng trọt cho hằng trăm lượt hội viên tham gia…

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 1980, anh Tân tham gia quân ngũ, được biến chế vào Trung đoàn Pháo binh 188, chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Đến năm 1986, anh xuất ngũ trở về quê hương Phúc Xuân và tham gia công tác xã hội ở địa phương từ đó đến nay (công an viên, Trưởng xóm, Bí thư Chi bộ xóm Cây Si... Trong phát triển kinh tế, gia đình anh là một trong những mô hình điển hình của xã. Trung bình mỗi năm anh nuôi 5 con lợn nái. Số lợn con do các nái mẹ sinh ra (khoảng 100 con), gia đình anh để nuôi cho đến khi được khoảng 50-60kg mới xuất chuồng. Từ chăn nuôi lợn, mỗi năm anh thu khoảng 150 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền 50 triệu đồng thu được từ 5 sào chè, 1 mẫu ruộng, nấu rượu và chăn nuôi cá theo hình thức bán công nghiệp, làm dịch vụ máy xay xát... Anh tâm sự: Trong quá trình phát triển kinh tế, gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, giống… Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của người thân và anh em, bè bạn trong Hội CCB… nên gia đình tôi đã vượt qua khó khăn và có cuộc sống ổn định như hôm nay.

 

Ngoài anh Tân, còn rất nhiều hội viên khác ít, nhiều cũng đã được hội quan tâm giúp đỡ trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện về thủ tục, giấy tờ trong quá trình vay vốn ngân hàng. Và hầu hết các hộ này đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, giải quyết được việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho gia đình…

 

Với mục đích giảm nhanh số hộ hội viên nghèo và tăng số hộ giàu, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các dự án vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách – Xã hội đến với hội viên để những gia đình hội viên có tiềm lực thì phát triển kinh doanh, dịch vụ, các hộ hội viên có điều kiện về đất đai mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, trong đó tập trung vào phát triển cây chè cành giống mới, chăn nuôi trâu, bò, lợn thương phẩm…