Trong những năm qua, việc tăng cường công tác khuyến nông cơ sở tại huyện Định Hóa đã hỗ trợ rất lớn cho người dân về khoa học kỹ thuật, giống và vật tư nông nghiệp. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế ở các xã vùng cao do mạnh dạn đưa những cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất…
Thực tế khảo sát tại các địa phương của Định Hóa, chúng tôi nhận thấy nhu cầu của người dân trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Ông Lưu Đức Chiều, chủ trang trại nuôi lợn lớn nhất xã Quy Kỳ cho biết: Năm 2006, tôi đầu tư nuôi lợn theo hình thức trang trại với quy mô từ 150 đến 200 con nhưng do chưa chú trọng khâu chọn giống và phòng dịch nên đầu năm 2007, đàn lợn của tôi bị dịch tả, chết gần hết. Không nản chí, tôi quyết tâm làm lại từ đầu. Lần này, tôi chú trọng hơn đến lựa chọn giống và theo học các lớp tập huấn về phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức để có thêm kiến thức áp dụng vào chăn nuôi. Đến nay, quy mô trang trại của tôi đã đạt khoảng 500 con mà hầu như không bị dịch bệnh lớn. Hàng năm, tôi xuất chuồng khoảng 60 tấn lợn thịt, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Đối với gia đình ông Phạm Văn Chiến, xóm Đồng Vinh, xã Điềm Mặc lại chọn hướng phát triển kinh tế gia đình với loại gia súc. Gia đình ông chăn nuôi trâu, bò theo hình thức chăn thả tự nhiên từ năm 1997, với quy mô ban đầu là 6 con. Trong quá trình chăn nuôi, ông đã tham gia 5 buổi tập huấn về chăm sóc và phòng dịch cho đàn gia súc. Những kiến thức đã học được ông áp dụng trực tiếp vào chăn nuôi của gia đình. Từ khi chăn nuôi trâu, bò đến nay, đàn gia súc của ông chưa một lần bị dịch bệnh, quy mô đã tăng lên trên 50 con. Ông mong muốn sẽ được tham gia nhiều lớp tập huấn hơn nữa.
Bên cạnh nâng cao kiến thức về kỹ thuật chăm sóc và phòng dịch trong nông nghiệp, những buổi tập huấn của Trạm Khuyến nông tại xã và thôn, bản đã giúp bà con nhận thức được tầm quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Ông Ma Đình Soan, Trưởng xóm Bản Lác 2, xã Kim Phượng cho biết: Trước kia, người dân Bản Lác chủ yếu trồng các giống ngô cũ cho năng suất thấp và chất lượng kém. Sau khi được tập huấn về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ một phần giống và kỹ thuật chăm sóc nên từ năm 2006 đến nay, toàn bộ diện tích này được bà con thay thế bằng các giống ngô lai như: LNV4, NK 4300… cho năng suất cao hơn hẳn. Hiện nay, mỗi năm Bản Lác 2 sản xuất được từ 60 đến 70 tấn ngô. Cây ngô lai thực sự đã giúp cải thiện đời sống của bà con trong xóm.
Tính riêng trong năm 2009, Trạm khuyến nông Định Hóa đã tổ chức 130 buổi tập huấn với các nội dung: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sản và thủy sản với 5.220 lượt hộ nông dân tham gia. Trạm còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở 9 lớp sơ cấp chăn nuôi và trồng trọt tại các xã; phối hợp với Hội Nông dân và Hội Phụ nữ huyện mở các lớp tâp huấn về chăn nuôi, kỹ thuật trồng chè, kỹ thuật tưới nước, thâm canh cây lúa và cây chè bằng máy bơm thủy luân; phối hợp với Văn phòng HĐND, UBND huyện tập huấn Chương trình 135 giai đoạn II cho 37 lớp với 2.200 học viên… Phần lớn các lớp tập huấn được tổ chức ngay tại cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia. Đồng thời, Trạm cũng triển khai thực hiện 11 mô hình trình diễn tại các xã, trong đó có nhiều mô hình thu được hiệu quả tích cực, được người dân nhiệt tình hưởng ứng như: Mô hình hỗ trợ phát triển những nuôi ong mật; mô hình chăm sóc rừng thâm canh cây mây nếp; mô hình chăn gà thả vườn… Các hộ tham gia những mô hình trình diễn đều được tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ về giống và phân bón, qua đó khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của gia đình.
Tuy vậy, hoạt động khuyến nông cơ sở của huyện vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu người dân, một số chương trình tập huấn chưa sát với nhu cầu thực tế nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia. Ông Bùi Gia Huệ, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Định Hóa cho biết: Khó khăn nhất trong công tác khuyến nông của huyện là thiếu nguồn nhân lực. Toàn huyện chỉ có 14/24 xã có cán bộ khuyến nông, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Ngoài ra, địa bàn rộng, người định cư phân tán, trình độ sản xuất hàng hóa và nhận thức về kinh tế thị trường của người dân còn hạn chế, nguồn kinh phí dành cho khuyến nông nhỏ cũng là những trở ngại đáng kể trong công tác khuyến nông cơ sở.
Trong những năm tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, Trạm khuyến nông huyện sẽ tiếp tục triển khai các đợt tập huấn và các mô hình trình diễn gắn với cơ sở và nhu cầu thực tế của người dân, đồng thời mong muốn được tăng cường cán bộ khuyến nông cơ sở và kinh phí hoạt động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.