Nuôi con đặc sản làm giàu

14:46, 06/06/2010

Đến thăm trang trại chăn nuôi rắn Hổ mang của gia đình anh Bạch Đình Thoại, ở tiểu khu Thái An, thị trấn Đu (Phú Lương) tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bởi, bên trong căn nhà 2 tầng, dưới những ngăn nhỏ đậy nắp gỗ là đàn rắn với hơn 600 con.

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trang trại, anh kể: Năm 2002, tôi lập gia đình. Tài sản của 2 vợ chồng lúc đó chẳng có gì đáng giá ngoài vài sào ruộng, cấy lúa cũng chỉ đủ ăn. Tôi có làm thêm nghề sửa chữa đồ điện gia dụng, lắp đặt điện nước nhưng công việc lúc có, lúc không. Một lần tình cờ sang chơi nhà người bạn ở Vĩnh Phúc, thấy có mô hình chăn nuôi rắn Hổ mang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã học hỏi và tìm hiểu thêm thông tin trên mạng Internet. Năm 2003, tôi bắt đầu nuôi khoảng mười con rắn. Vừa nuôi tôi vừa đi các tỉnh như Bắc Giang, Quảng Ninh để học thêm kinh nghiệm nuôi và ấp nở rắn con. Đến năm 2005, tôi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp Giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã. Lúc này gia đình đã có 40 chuồng rắn Hổ mang. Anh nói: Nuôi rắn không phải mất nhiều công chăm sóc và đầu tư thức ăn như chăn nuôi lợn. Nguồn thức ăn cho rắn cũng rất dễ kiếm, chủ yếu là cóc, nhái, gà con, vịt con, trứng ung... Trung bình cứ 3 ngày chúng mới ăn một bữa. Vào mùa lạnh, rắn ngủ đông 6 tháng. Hơn nữa, nuôi rắn không phải lo thị trường tiêu thụ vì cứ có sản phẩm ra là có người đến thu mua, giá bán lại cao.

 

Năm 2006, gia đình anh xuất bán lứa rắn đầu tiên được 30 kg, thu về hơn 10 triệu đồng; năm 2008, nuôi 200 con, xuất chuồng 1,5 tạ, thu được 80 triệu đồng. Dần dần nuôi có kinh nghiệm, vào mùa rắn sinh sản (tháng 2, tháng 3 hàng năm) thả cho rắn giao phối, sau đó cho ấp nở thành công rắn con. Vì thế năm 2009, gia đình anh không phải đi mua rắn con nữa, nên số lượng rắn nuôi lên tới hơn 600 con, xuất bán được 5 tạ, với giá bán trung bình 550 nghìn đồng/kg, thu về hơn 255 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng vườn nhà để nuôi 60 thùng ong, mỗi năm cho trên 600 kg mật. Với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg, gia đình anh cũng thu được hơn 30 triệu đồng. Hiện nay, anh còn nuôi thêm 2.000 con rắn ráo và nuôi thử 8 con Cầy hương. Trừ chi phí, thu nhập của gia đình anh cũng đạt trên 100 triệu đồng/năm.

 

Nhận thấy mô hình nuôi rắn của gia đình anh có hiệu quả, nhiều hộ ở dân ở các địa phương khác trong huyện cũng đến học cách nuôi rắn. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn họ về cách xây dựng chuồng trại, giúp đỡ về giống rắn con để nuôi ban đầu. Hiện, xã Động Đạt cũng có 4 hộ nuôi rắn cho thu nhập ổn định.

 

Nhờ nuôi rắn, kết hợp nuôi ong, kinh tế gia đình anh Thoại đã vươn lên khá giả. Anh thay thế ngôi nhà lá trước kia bằng căn nhà xây 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như: ti vi, tủ lạnh, xe máy… Khi được hỏi về những dự định làm ăn trong tương lai, anh Thoại chia sẻ: Trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư xây ao để nuôi Ba ba, xây trại nuôi Cầy hương… Hy vọng với cánh làm ăn năng động, nhạy bén, những người nông dân cần cù, chịu thương chịu khó như anh Thoại sẽ tìm được hướng đi mới, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.