Phú Lương phát triển cây trồng mũi nhọn

09:31, 21/06/2010

Trong những năm qua, xác định chè là cây công nghiệp thế mạnh, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân nên huyện Phú Lương đã tạo những điều kiện thuận lợi phát triển cây chè, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Để đưa cây chè phát triển tương xứng với tiềm năng, huyện đã quan tâm tới việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè cho người dân. Đồng chí Nguyễn Khả Chung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn và các đoàn thể tổ chức được 285 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 14 nghìn lượt người. Tổ chức được 4 lớp tập huấn sản xuất, chế biến chè an toàn IPM. Nhờ đó, bà con đã nắm được các quy trình trồng, chăm sóc và chế biến các giống chè cành giống mới cho năng suất và chất lượng cao như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... Qua đó cũng làm thay đổi các quy trình thu hái, chế biến chè theo tập quán cũ của người dân.

 

Chị Nông Thị May, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh cho biết: Trước đây, khi chưa được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, gia đình tôi thường chế biến chè theo cách thủ công. Thu hái chè về để 2 đến 3 ngày sau mới sao. Vì thế, chè bị ôi, mất hương thơm đặc trưng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, gia đình tôi đã biết làm chè ngon, hái đúng 1 tôm hai lá, bón phân đầy đủ để chè ra nhiều búp và hái về là tiến hành sao luôn, không để qua mấy ngày như trước đây nữa.

 

Ngoài ra, huyện cũng quan tâm tới việc cải tạo, thâm canh chè. 600 ha chè xuống cấp, sau khi được chăm sóc, cải tạo đã hồi phục và cho năng suất trung bình 55 tạ/ha. Cây chè đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của các hộ dân. Anh Nguyễn Văn Hải, xóm Phú Nam 2, xã Phú Đô cho biết: Trước đây hơn 2 sào lúa một vụ của gia đình tôi cùng lắm cũng cho thu hoạch 1,6 tạ sào, chỉ đủ cung cấp gạo ăn cho gia đình trong nửa năm. Năm 2006, gia đình tôi đã chuyển sang trồng giống chè cành LDP1. Đến nay diện tích trên đã cho thu hoạch hơn 100 kg chè khô/lứa, với giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg, thu nhập của gia đình tôi đã đạt trên 70 triệu đồng năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

 

Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh việc tăng diện tích cùng với đưa những giống chè cành có chất lượng vào sản xuất nên sản lượng chè của huyện không ngừng tăng. Nếu như năm 2006, diện tích chè kinh doanh của toàn huyện mới có hơn 3.700 ha và sản lượng 29.760 tấn thì đến năm 2010 đã tăng lên hơn 4.100 ha, sản lượng đạt khoảng 34.900 tấn. Có được kết quả trên không chỉ do người dân đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng mà còn do bà con đã chú trọng thay đổi quy trình chăm sóc như: Bón phân cân đối, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, quản lý dịch hại tổng hợp…, từng bước thay đổi cơ cấu giống, đưa những giống chè có chất lượng vào sản xuất, do vậy chất lượng chè được nâng lên, hình thành nhiều Làng nghề sản xuất sản xuất, chế biến an toàn ở xóm Thác Dài, xã Tức Tranh; xóm Tân Bình, xã Vô Tranh… Tìm hiểu thực tế một số xã trong huyện, chúng tôi nhận thấy, đa số sản phẩm chè do người dân tự chế biến và tiêu thụ tại các chợ nông thôn hoặc qua các tư thương. Vì thế giá chè thường không ổn định và nhiều khi bị tư thương ép giá. Chè chỉ được giá cao vào vụ đông, trong khi vụ đông cây chè thiếu nước tưới thường cho năng suất thấp hơn chính vụ. Một số cơ sở chế biến chè kinh doanh hoạt động trên địa bàn do thiết bị công nghệ dây truyền chế biến còn lạc hậu, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp nên đã ngừng hoạt động, như: Nhà máy chè xã Tức Tranh, Nhà máy chè xã Phấn Mễ, Nhà máy chè Phú Lương… Chỉ còn một cơ sở chè Phúc Long thuộc xã Tức Tranh là đang hoạt động, xong cũng chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do không đủ nguyên liệu đầu vào vì Nhà máy thu mua chè thấp hơn giá thị trường.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, đồng chí Ma Văn Rục, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các làng nghề sản xuất và chế biến chè an toàn, để bảo vệ sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Phú Lương. Đầu tư nâng cấp giao thông nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa; xây dựng các công trình thủy lợi vùng đồi để phục vụ sản xuất thâm canh chè vụ đông cho bà con. Đồng thời có những hoạt động phối hợp với các sở, ban, ngành để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè đặc sản đến với người tiêu dùng.