Tạo vùng sản xuất rau an toàn

07:33, 15/06/2010

Theo sự giới thiệu của Liên minh hợp tác xã, những ngày cuối tháng 5, chúng tôi về thăm HTX rau an toàn Kim Thái thuộc xóm Kim Thái, thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên).

 

Thời điểm này, bà con địa phương đang khẩn trương thu hoạch nốt những diện tích cà chua, dưa chuột, bí xanh… để chuẩn bị trồng rau vụ đông. Dẫn chúng tôi len lỏi giữa những luống cà chua nặng trái, chị Lê Thị Tuấn, Chủ nhiệm HTX giới thiệu: Cà chua sạch đấy! Đây là 1 trong 5 loại rau quả của Kim Thái đã được Viện Rau quả Trung ương kiểm định và công nhận đạt tiêu chuẩn ViêtGap…

 

Gặp ông Nguyễn Kim Sự trên cánh đồng Kim Thái khi ông đang mải mê cắt những quả bí xanh nặng trịch cho vào chiếc giỏ dưới chân, biết chúng tôi có ý định viết bài về làng rau, ông nở nụ cười tươi rói: Rau đã từng là cây xóa đói giảm nghèo ở Kim Thái, và bây giờ nó đang là cây làm giàu cho chúng tôi đấy nhà báo ạ. Nhà tôi có 8 sào đất, trong đó 4 sào tôi cấy 1 vụ lúa, 3 vụ rau, còn lại 4 sào 1 năm tôi cấy 2 vụ lúa, 2 vụ rau. Cứ tháng 8, thu hoạch lúa mùa xong, tôi bắt đầu trồng các loại su hào, bắp cải, súp lơ, rau cải, cà chua… sau đó lại gối tiếp các loại cải ngọt, cải canh, bí xanh, dưa chuột… Thu xong 2 vụ rau liên tiếp, tôi lại chuyển sang cấy lúa. Đối với diện tích đất cao hơn thì tôi chỉ cấy 1 vụ lúa mùa, rồi trồng 3 vụ rau nữa. Với cách thức thâm canh như vậy, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Bê quả bí xanh giơ ngang mặt, ông tiếp: Bí xanh đang là cây trồng cho thu nhập cao ở đây, mỗi sào bí xanh có thể cho hàng tấn quả, với giá hiện nay, có thể thu tới gần 4 triệu đồng/sào.

 

Với đặc điểm đồng đất trũng, Kim Thái không phải là vùng chuyên canh rau mà bà con ở đây chỉ tập trung vào trồng rau vụ Đông và vụ Xuân. Nghề trồng rau cũng chỉ mới phát triển từ năm 2005 và mạnh nhất từ năm 2007 trở lại đây khi xóm thành lập HTX rau an toàn Kim Thái. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất rau của nhân dân trong xóm, bà con đã áp dụng theo quy trình sản xuất rau an toàn. Chị Đồng Thị Bắc là một trong những hộ thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn, nhờ đổi mới cách sản xuất, kinh tế gia đình chị đã có bước tiến đáng kể. Chị cho biết: Gia đình tôi có 5 sào đất, một vụ cấy lúa, còn lại tôi trồng rau. Trước đây khi chưa thành lập HTX tôi vẫn sản xuất theo tập quán và kinh nghiệm đúc rút được, đó là làm đất xong rắc vôi, sau đó cấy rau và bón phân, có sâu thì phun thuốc trừ… Nhưng từ năm 2007 trở lại đây, do được tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn, nên tôi áp dụng làm theo. Sản xuất theo quy trình này cũng không có gì phức tạp, vẫn các bước như thế, chỉ cần thực hiện đúng trình tự thời gian là đã đạt được sản phẩm an toàn. Đó là sau khi làm đất, rắc vôi bột đã được ủ trước 1 tuần, phân bón cũng phải ủ ải rồi mới bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải có thời gian cách ly để không gây độc hại, và quan trọng là nguồn nước tưới phải đảm bảo yêu cầu. Với việc thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn này, rau của gia đình đạt năng suất cao hơn. Và điều quan trọng là, chất lượng rau được nâng lên, tạo được uy tín trên thị trường. Trước kia, sau khi thu hoạch, tôi phải mang rau ra chợ bán, nhưng vài năm gần đây, các cơ sở kinh doanh rau an toàn đặt hàng và đến tận nơi nhập. Năm 2009, tôi tập trung vào sản xuất và đã thu được 30 triệu đồng, nhờ đó gia đình tôi đã thoát nghèo. Gia đình chị Bắc là hộ thoát nghèo sau cùng trong HTX.

 

Nói về hiệu quả kinh tế của cây rau, chị Lê Thị Tuấn cho biết thêm: Nghề trồng rau không chỉ xóa đói giảm nghèo cho bà con mà hiện nay đang là nghề để làm giàu cho bà con nơi đây. Từ chỗ không có hộ giàu, đến nay 70% số hộ trong HTX là hộ giàu, không còn hộ nghèo nào. Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm nay, 5ha cấy được 2 vụ rau 1 vụ lúa có thể đạt được 200 triệu đồng/ha, diện tích còn lại cũng cho thu nhập khoảng 140 triệu đồng/ha. Riêng gia đình tôi, với 8 sào đất cũng vừa cấy lúa, vừa trồng rau. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế giữa cấy lúa và trồng rau thì 1 vụ lúa cao nhất tôi cũng chỉ thu được 1 triệu đồng/sào, trong khi trồng rau có thể đạt đến 4 triệu đồng/sào. Từ đầu năm đến nay, từ 8 sào đất này tôi đã thu được trên 50 triệu đồng.

 

Việc HTX rau an toàn Kim Thái áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn đang là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay và nó đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ tham gia HTX cũng có điều kiện được tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Đến nay, 100% xã viên của HTX đều thực hiện theo quy trình sản xuất rau an toàn, qua kiểm định của Viện rau quả TW đối với 5 loại rau quả ở Kim Thái là: Su hào, bắp cải, súp lơ, rau cải, cà chua thì cả 5 loại đều đạt tiêu chuẩn VietGap. Điều này đã giúp cho sản phẩm rau của HTX tạo dựng được uy tín trên thị trường, được khách hàng đón nhận. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay HTX lại không phát triển thêm được xã viên nào. Trong tổng số trên 90 hộ dân xóm Kim Thái thì chỉ có 54 hộ tham gia vào HTX. Còn lại, các hộ khác cũng vừa cấy lúa vừa trồng rau, nhưng họ vẫn chỉ áp dụng cách thức sản xuất theo tập quán cũ. Với mục tiêu là từng bước tạo thương hiệu rau an toàn Kim Thái, thì địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút thêm các hộ trồng rau ở đây tham gia vào HTX nhằm ngày càng mở rộng diện tích, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.