Bài toán tăng giá trị cá tra

07:45, 19/07/2010

6 tháng đầu năm, ĐBSCL đã xuất khẩu trên 300.000 tấn cá tra, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên trị giá chỉ tăng 11,6%.

Kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đạt hơn 640 triệu USD cá tra, và ước khả năng từ nay đến hết năm 2010 xuất khẩu cá tra có thể đạt hơn 1,4 tỉ USD.

 

Các thị trường chính của cá tra Việt Nam thuộc 13 nước khối EU, Bắc và Trung Mỹ, châu Á, châu Đại Dương. Theo Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các thị trường Nga, Mỹ, Nam Mỹ, Brazil… đều có bước tăng trưởng khá trong 6 tháng qua.

 

Tuy nhiên vấn đề đáng lo là giá sản phẩm cá tra 6 tháng đầu năm nay khá thấp so với cùng kỳ năm 2009.

 

Hiện tại thị trường Mỹ vẫn được đánh giá tốt về khối lượng xuất khẩu và giá bán nhưng lợi thế này chỉ dành cho một số ít doanh nghiệp được hưởng thuế chống bán phá giá thấp hoặc 0%.

 

Khó cả về giá…

 

Giá cá tra xuất khẩu năm 2010 có chiều hướng giảm từ 2,28 USD/kg năm 2009 xuống còn 2,13 USD/kg. Đặc biệt, tình trạng khủng hoảng nợ ở châu Âu đi kèm với đồng euro mất giá khiến xuất khẩu cá tra vào thị trường này bị ảnh hưởng nặng, bởi đây là thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam.

 

Hiện nay, thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu bằng USD song thị trường chính lại là EU. Vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu của EU đã yêu cầu nhà xuất khẩu giảm giá bán, nếu không họ sẽ dừng mua hàng.

 

Chính áp lực giảm giá từ thị trường EU đã làm giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh.

 

… và nguyên liệu

 

Nhiều doanh nghiệp đang phải đau đầu giải quyết bài toán giá nhập khẩu nguyên liệu chế biến tăng 10-30% và các chi phí đầu vào khác cũng tăng 7-10% so với năm ngoái nhưng không có cách nào tăng giá bán.

 

Một giám đốc doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở ĐBSCL cho biết: “Nếu ép giá cá nguyên liệu giảm tiếp, không khéo thời gian tới hàng loạt nhà máy chế biến quy mô nhỏ sẽ phá sản vì không cầm cự được tình trạng thiếu nguyên liệu do người nuôi treo ao”.

 

Hiện tại một số nhà máy chế biến cá chỉ hoạt động khoảng 20% công suất nhằm giữ công nhân, tránh tình trạng tạm ngưng sản xuất.

 

Tại ĐBSCL, hiện có khoảng 30% diện tích hầm nuôi cá tra ở trong tình trạng “treo hầm” do áp lực về giá thức ăn chăn nuôi tăng 40% so với năm trước. Người nuôi cá tra có lúc bị lỗ do giá cá tra nguyên liệu hiện chỉ dao động trong khoảng 14.000 - 18.500 đồng/kg, trong khi giá thành là 14.000 – 16.000 đồng/kg.

 

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó khăn hơn khiến cho những hộ nuôi nhỏ lẻ không thể cầm cự được dẫn đến việc nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu bị thiếu.

 

Giải pháp cho doanh nghiệp

 

Để giải quyết những khó khăn trên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã đưa ra nhiều giải pháp: Một mặt chuyển hướng tự tạo nguồn nguyên liệu cho mình bằng cách xây dựng các quy trình khép kín trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Mặt khác, các công ty chế biến thủy sản có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ liên kết với hộ nông dân để đầu tư cho họ vốn sau đó bao tiêu luôn sản phẩm.

 

Tuy nhiên, vì hướng tự xây dựng nguồn nguyên liệu đã phát triển khá lâu nhưng chưa mạnh nên VASEP dự tính trong thời gian tới sẽ phổ biến và tuyên truyền rộng rãi cho khoảng 80% doanh nghiệp trong cả nước cùng thực hiện.

 

Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ hướng xuất khẩu sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường đang nổi lên như Bulgaria, Romania, Czech... vốn tăng trưởng khá ấn tượng trong năm ngoái và tiềm năng còn nhiều, cũng như xuất khẩu sang các khu vực khác như Trung Đông, Trung Quốc...

 

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn liên quan đến rào cản thuế và phí thuế quan thương mại quốc tế, cung cấp nhiều thông tin thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời phản bác một số thông tin bôi nhọ cá tra Việt Nam trên một số tờ báo nước ngoài.

 

Bộ NN&PTNT hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm cá tra Việt Nam đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đến các nhà nhập khẩu, khách hàng quốc tế thông qua tại Ả rập, Mỹ, Bỉ, Mehico.

 

Làm tăng giá trị sản phẩm

 

Cá tra là mặt hàng thủy sản xuất khẩu đứng vị trí thứ hai sau mặt hàng tôm, chiếm 33,4% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản, mặc dù sản lượng xuất khẩu 6 tháng tăng 19,4% so với cùng kỳ nhưng giá trị chỉ tăng có 11,6%.

 

Theo lãnh đạo VASEP, nguyên nhân chủ yếu là do ngành chế biến và nuôi trồng cá tra vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu bền vững.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, giá trị sản phẩm cá tra sẽ tăng từ 10 - 20% so với sản phẩm thông thường và sẽ thâm nhập được nhiều thị trường khó tính nếu chúng ta thực hiện mô hình nuôi cá tra Global GAP.

 

Đồng thuận với ý kiến này, PGS TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cũng cho rằng, để sản phẩm cá tra của Việt Nam có khả năng thâm nhập sâu hơn và rộng hơn vào thị trường quốc tế, đặc biệt là một số thị trường nghiêm ngặt của châu Âu, các doanh nghiệp cần thống nhất nuôi cá theo tiêu thuẩn Global GAP cho tất cả vùng nuôi cá tra thương phẩm (từ 10ha trở lên) trong 5 năm tới.

 

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, cần thành lập quỹ “Bảo vệ chất lượng và bình ổn giá cá tra” theo cơ chế thị trường bằng cách thu phí xuất khẩu từ sản phẩm cá tra với mức 0,05-0,1 USD/kg. Quỹ này sẽ do Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra cùng cộng đồng doanh nghiệp quản lý, có nhiệm vụ hỗ trợ người nuôi cá thực hiện Glolbal GAP trên vùng nuôi của mình, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn".

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Mô hình nuôi cá tra Global GAP là hướng đi lý tưởng, cần khuyến cáo thực hiện. Bộ sẽ công bố danh sách những doanh nghiệp và người nuôi cá đạt Global GAP. Hiện cá tra đã đánh số mã vạch vùng nuôi, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vùng nuôi và dịch bệnh”.

 

Bộ trưởng đề nghị, phải nâng cao hiệu quả sản xuất và chế biến cá tra bằng cách nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Hỗ trợ người nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP và ủng hộ các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thuận đề ra giá sàn khi xuất vào một số thị trường chính để bảo vệ uy tín sản phẩm, đảm bảo cho doanh nghiệp có lợi nhuận cao./.