Cân bằng cung - cầu

08:57, 30/07/2010

Có thể nói, nhu cầu về xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tăng khá cao, kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có về nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất VLXD ở tỉnh đã cơ bản chủ động cân bằng được cung-cầu trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá chuyên môn, trong hàng trăm dự án xây dựng công cộng và cả chục nghìn công trình dân sinh xây dựng trên địa bàn tỉnh mấy năm gần đây, nguồn nguyên, vật liệu hầu hết được cung cấp bởi các doanh nghiệp sản xuất VLXD của tỉnh. Cụ thể như với 52 công trình nhà ở cao tầng dành cho sinh viên được tỉnh triển khai thi công trong khoảng hai năm qua hầu như đều lấy VLXD tại địa phương. Các chủ đầu tư, các nhà thầu xây lắp rất hài lòng về khả năng cung cấp nhanh, kịp thời và ổn định của các đơn vị sản xuất VLXD. Hầu hết VLXD có chất lượng đều được chuyển tới tận chân công trình. Ông Nguyễn Quang Huy (Công ty cổ phần Đầu tư-Xây dựng ngân hàng), đại diện đơn vị chủ thầu xây dựng 3 công trình nhà ở 5 tầng của Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cho biết: Là nhà thầu thi công nhiều dự án ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng có lẽ với chúng tôi Thái Nguyên là địa bàn thuận lợi nhất về nguồn nguyên, vật liệu phục vụ xây dựng. Từ thép cây, thép hình, đến cát, sỏi, xi măng, gạch, ngói các loại... chỉ cần gọi điện là có xe vận chuyển tới tận công trình. Hơn nữa, nhà đầu tư còn được thỏa mái lựa chọn sản phẩm phù hợp. Chính điều đó đã giúp chủ dự án tiết kiệm được chi phí, hoàn thành công trình đúng tiến độ.

Là doanh nghiệp có bề dày truyền thống và thế mạnh trong sản xuất VLXD của tỉnh, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp luôn cung cấp ra thị trường các loại sản phẩm đa dạng, chất lượng. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã đạt doanh thu trên 200 tỷ đồng với các sản phẩm chính như: Tấm lợp phibrôximăng, xi măng poóclăng, gạch ceramic, bê tông đúc sẵn... Theo ông Trương Ngọc Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty thì hầu hết các sản phẩm sản xuất ra đều được thị trường chấp nhận và tiêu thụ dễ dàng, đặc biệt là các sản phẩm tấm lợp, xi măng, kết cấu bê tông. Dựa vào tình hình tăng, giảm cụ thể của thị trường mà Công ty tổ chức sản xuất theo công suất tương ứng. Hiện tại, Công ty đang triển khai thực hiện một số dự án đầu tư mới nhằm tăng công suất sản xuất các mặt hàng VLXD phục vụ nhu cầu xã hội. Cũng là đơn vị sản xuất VLXD có uy tín nhiều năm nay, Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn đang sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng, bột xây dựng và gạch xilicat rất tốt. Từ đầu năm đến nay, Công ty này đã sản xuất và tung ra thị trường khoảng 50 nghìn tấn xi măng, khoảng 300 tấn bột xây dựng và khoảng 20 nghìn viên gạch xilicat. Các sản phẩm của Công ty, nhất là xi măng nhãn hiệu Cao Ngạn đang được thị trường trong tỉnh và cả miền Bắc chấp nhận. Không chỉ phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, sản phẩm xi măng của doanh nghiệp còn phục vụ nhiều công trình công cộng có độ bền cao.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.800 cơ sở sản xuất VLXD và khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, chiếm khoảng 16% tổng số các cơ sở sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, phải kể đến một số cơ sở sản xuất lớn như: Nhà máy xi măng Thái Nguyên công suất 1,5 triệu tấn/năm; các Nhà máy xi măng La Hiên, xi măng Cao Ngạn, xi măng Núi Voi, xi măng Lưu Xá cũng có công suất hàng triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất gạch Ceramic Phổ Yên công suất 12 triệu m2/năm; Nhà máy gạch ốp lát Việt ý-Sông Công, công suất 2 triệu m2/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục đơn vị sản xuất gạch tuynen, tấm lợp amiăng, kết cấu bê tông có công suất lớn. Cùng với đó là hàng trăm cơ sở khai thác cát, sỏi, đá xây dựng, sản xuất gạch, ngói nung, không nung, đá ốp lát, gốm sứ... Nếu năm 2000, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất VLXD mới đạt khoảng 202 tỷ đồng thì năm 2005 đã là 854 tỷ đồng và năm 2009 đạt ở mức cao nhất, trên 1.300 tỷ đồng. 6 tháng qua, giá trị sản xuất VLXD của tỉnh cũng đã đạt gần 1.000 tỷ đồng. Nếu xét về cơ cấu của cả ngành công nghiệp nói chung thì công nghiệp sản xuất VLXD cũng chiếm tỷ lệ khá cao (năm 2000 chiếm khoảng 8,75%, năm 2008 chiếm gần 16%). Trong tổng số 10 nhóm ngành công nghiệp thì công nghiệp sản xuất VLXD chỉ đứng sau công nghiệp sản xuất kim loại (trên 34%), công nghiệp cơ khí và gia công kim loại (trên 18%).

Không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh, thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất VLXD của chúng ta đã vươn ra xa hơn, cung cấp cho các tỉnh trong khu vực và cả miền Bắc. Theo dự tính, năm 2010 này, nhu cầu về các loại VLXD của Thái Nguyên và của các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc là khoảng 3,7 triệu tấn xi măng, 1,3 tỷ viên gạch, 3 triệu m3 đá xây dựng, 12 triệu m3 gạch ốp lát... Với nhu cầu này, khả quan mà nói, các doanh nghiệp sản xuất VLXD của Thái Nguyên sẽ dư sức đáp ứng.