Đầu tư cho cây trồng mũi nhọn

08:27, 20/07/2010

Nếu như lúa được xem là cây trồng chủ lực thì cây chè được xem là cây kinh tế mũi nhọn để người dân Đồng Hỷ xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều năm nay, các hộ dân ở Đồng Hỷ đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích chè bằng các giống năng suất, chất lượng như LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Am Tích, cải tạo, phục hồi hoặc trồng thay thế những diện tích chè trung du đã thoái hóa, xuống cấp bằng các giống chè cành mới...

 

Chị Hoàng Thị Liên, một người dân ở xóm Sông Cầu, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) nói: Với người nông dân chúng tôi, trồng lúa là để phục vụ sinh hoạt hằng ngày và chăn nuôi, còn muốn làm giàu thì phải tập trung phát triển cây chè.

 

Với suy nghĩ giống như chị Liên, nhiều năm nay, các hộ dân ở Đồng Hỷ đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích chè bằng các giống năng suất, chất lượng như LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Am Tích… ; cải tạo, phục hồi hoặc trồng thay thế những diện tích chè trung du đã thoái hóa, xuống cấp bằng các giống chè cành mới; đầu tư thâm canh chè nhằm tăng năng suất, sản lượng chè. Theo đó, địa phương luôn tạo điều kiện cho các hộ dân làm chè được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng mới, cải tạo, thâm canh chè, mua máy móc phục vụ chế biến chè… Nhờ đó, những năm gần đây, diện tích chè của Đồng Hỷ đã không ngừng tăng lên. Từ năm 2001 đến nay, Đồng Hỷ đã trồng mới được 600 ha chè cành các loại, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên gần 2.600ha chè, trong đó có 2.000 ha chè kinh doanh, tập trung chủ yếu ở một số xã như Khe Mo, Minh Lập, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu…Tích cực đầu tư, thâm canh nên năng suất chè của huyện luôn năm sau cao hơn năm trước. Hiện, năng suất chè bình quân của huyện đã đạt gần 98 tạ/ha, tăng hàng chục tạ/ha so với cách đây 5 năm. Năng suất chè ngày càng tăng, các hộ làm chè đã chuyển từ chế biến chè thủ công sang chế biến bằng các loại máy móc, góp phần giảm công lao động và tăng sản lượng chè búp khô. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 1.000 tôn sao chè quay tay, hơn 5.200 tôn sao chè động cơ, 5.600 máy vò chè và 34 máy hái chè giúp nâng cao chất lượng chè thành phẩm.

 

5 năm trở lại đây, cùng với thâm canh tăng năng suất, người làm chè Đồng Hỷ rất chú trọng nâng cao chất lượng chè. Nhờ đó, sản phẩm chè của huyện đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Trong đó, sản phẩm chè nổi tiếng nhất của huyện là chè Trại Cài. Nhằm quảng bá thương hiệu chè của địa phương, huyện cũng tạo mọi điều kiện để người dân được đi tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các vùng sản xuất chè ngon nổi tiếng của tỉnh như La Bằng (Đại Từ), Tân Cương (T.P Thái Nguyên); tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại do tỉnh, huyện tổ chức… Điều đáng mừng là trong cuộc thi Ngày hội chè Thái Nguyên tổ chức cách đây chưa lâu, chè Trại Cài cũng đã được mời tham gia và vinh dự đoạt giải cao trong các phần thi.

 

Nét mới trong sản xuất, chế biến chè ở Đồng Hỷ hiện nay là người dân nơi đây đang tiếp cận dần với sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất chè theo phương thức này, không chỉ sức khoẻ người làm chè được đảm bảo mà sản phẩm chè làm ra ngon, không bị ảnh hưởng do lạm dụng hóa chất và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, giá chè bán ra cũng cao hơn gấp rưỡi thậm chí gấp đôi chè làm theo phương thức truyền thống (trung bình 1 kg chè an toàn có thể bán với giá 150 đến 200 nghìn đồng/kg). Hiện tại đã có hơn 30 hộ dân ở Minh Lập và Hòa Bình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 20 ha. Tiến tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn trên địa bàn.

 

Xác định cây chè là cây mũi nhọn, trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, chất lượng chè. Riêng trong năm 2010, huyện Đồng Hỷ phấn đấu trồng mới, trồng lại 50 ha chè, năng suất đạt 100 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 24,2 nghìn tấn