Hiệu quả kinh tế từ giống chè Kim Tuyên

09:26, 26/07/2010

“Với người dân huyện Đại Từ nói chung và người dân xã Phú Lạc chúng tôi nói riêng, từ lâu, cây chè đã trở thành cây gắn bó máu thịt và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình. Đặc biệt là những năm gần đây, khi chính quyền địa phương khuyến khích người dân tích cực đưa những giống chè mới vào trồng thì cây chè thực sự trở thành cây làm giàu cho nông dân”. Đó là tâm sự của anh Trần Hữu Quyết, xóm Lũng, xã Phú Lạc.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm nương chè Kim Tuyên giống mới - niềm tự hào của cả người dân xóm Lũng, anh Quyết cho biết: Gia đình tôi có hơn 3 ha đất sản xuất nông lâm nghiệp. Trước kia, gia đình tôi chủ yếu trồng cây lâm nghiệp và 10 sào chè giống trung du. Do cây chè trung du sinh trưởng chậm, lâu được hái lại hay bị nhiễm sâu bệnh, số lượng búp trên tán chè ít và không đều nên mỗi lần thu hái sản lượng chè đạt thấp. Với 10 sào chè này, trung bình một năm gia đình tôi chỉ thu hái được 5-6 lứa chè với tổng sản lượng khoảng 1,98 tấn chè búp tươi. Thêm nữa, giá chè khô chế biến từ chè trung du trên thị trường lại thấp, chỉ khoảng từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg nên hiệu quả kinh tế không cao. Rồi vật tư phân bón tăng, người trồng chè chỉ còn biết lấy công làm lãi. Bước ngoặt đối với gia đình tôi là vào năm 2007, được sự quan tâm của Nhà nước với nhiều dự án, chính sách đầu tư phát triển cây chè tại địa phương, người dân chúng tôi được cán bộ nông nghiệp huyện, xã giới thiệu, tổ chức tập huấn và đưa nhiều giống chè mới có chất lượng cao vào cho nông dân. Nhận thấy người nông dân được hưởng lợi từ các chương trình đó nên gia đình tôi đã từng bước thay thế dần diện tích chè trung du bằng giống chè Kim Tuyên mới chất lượng cao với diện tích ban đầu là 4 sào chè. Điều đặc biệt là với cây chè giống mới này ngay từ những năm đầu đã cho thu hoạch...

 

Nhìn nương chè xanh tốt, những búp chè non tơ căng tràn nhựa sống hứa hẹn cho một lứa chè đạt chất lượng tốt, chúng tôi cảm nhận mảnh đất này sẽ cho những người nông dân cần cù, chăm chỉ nơi đây cuộc sống khấm khá, no đủ hơn. Say mê nói về cây chè giống mới, anh Quyết giới thiệu: Khi trồng mới 4 sào chè giống mới này có tỷ lệ sống đạt cao (trên 95%), cây sinh trưởng khỏe, chiều cao của cây khoảng 75 cm, mật độ búp dày, trung bình khoảng 250 búp/m2, búp chè mềm, khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao. Đối với chè trung du thì 5,5 kg búp tươi chế biến được 1 kg búp khô, còn chè Kim Tuyên chỉ mất 4,2 kg búp tươi đã chế biến được 1 kg búp khô. Giống chè này khi chế biến làm chè xanh có hương thơm mạnh, nước chè có màu xanh đặc biệt, sử dụng để chế biến chè ôlong. Hiện tại nương chè đang ở tuổi thứ 4, mỗi năm cho gia đình thu được khoảng 6,2 tạ búp tươi. Hiện nay, chè Kim Tuyên dùng để chế biến chè xanh cho chất lượng tốt, giá bán đạt 150 nghìn đồng/kg. Qua tính toán so sánh về hiệu quả kinh tế với chè trung du, anh Quyết khẳng định: Từ khi đưa giống chè Kim Tuyên vào trồng, tôi thấy năng suất chè tăng, chất lượng chè tốt hơn và giá bán cao gấp 3-4 lần. Với 4 sào chè Kim Tuyên hiện mỗi năm cho gia đình anh thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên.

 

Chia tay người nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT mới vào trồng trọt, anh Quyết bày tỏ: Hiện nay gia đình tôi có nguyện vọng chuyển dần diện tích trồng rừng sang trồng chè giống mới. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn (trung bình mức đầu tư cho 1 sào chè cành giống mới hiện là 15 triệu đồng/sào). Tôi mong Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, giống mới cũng như tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật cho những hộ trồng chè chúng tôi để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất chè, từng bước giúp đỡ người dân có thể làm giàu từ cây chè ngay tại chính mảnh đất quê hương mình...