Khi thế mạnh của địa phương được phát huy

09:46, 28/07/2010

Năm 2006 toàn T.X Sông Công mới có 1.038 hộ kinh doanh cá thể thì đến hết năm 2009 đã tăng lên 1.884 hộ với các ngành nghề kinh doanh đa dạng như: Gia công cơ khí, sắt thép, vật liệu xây dựng, kinh doanh tổng hợp…Có được kết quả này là do thị xã đã biết phát huy những ưu thế của một thị xã công nghiệp.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Thái, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ năm 2006, UBND thị xã đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010. Để Chương trình này đạt hiệu quả thị xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ ở địa phương như: Tạo mọi điều kiện về cơ sở pháp lý, mặt bằng sản xuất và vốn vay cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ; rà soát và phân bổ hợp lý, đúng đối tượng nguồn vốn khuyến công để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất với các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động của một số doanh nghiệp, hỗ trợ lập dự án, xây dựng các mô hình trình diễn có khả năng nhân rộng…

 

Trong 4 năm từ 2006-2009 thị xã đã giải ngân được 1,2 tỷ đồng nguồn vốn này; Trung tâm dạy nghề thị xã tăng cường mở các lớp đào tạo dạy nghề trung và dài hạn như cơ khí, may mặc… Cùng với các giải pháp trên, việc mở rộng các khu, cụm công nghiệp với các chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Sông Công có tác động trực tiếp đến sự phát triển của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn thị xã có trên 200 đơn vị, doanh nghiệp và chi nhánh của các công ty hoạt động giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Chính sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn đã tạo ra cơ hội cho các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương phát triển.

 

Trên địa bàn thị xã hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nên nhu cầu về các mặt hàng gia công cơ khí tăng cao. Tận dụng thế mạnh này, nhiều cơ sở sản xuất gia công cơ khí đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Sản phẩm của các cơ sở này cung cấp ngay cho các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn thị xã. Ông Trịnh Thành Quyến, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Sông Công, Tổ 5, phường Lương Châu, cho biết: Trước đây tôi chỉ có một máy tiện, một máy khoan và một máy phay làm tại nhà, nhận thấy thị trường có nhu cầu về các mặt hàng gia công cơ khí nên năm 2007, được sự tạo điều kiện của địa phương tôi đã thuê mặt bằng 7000 mét vuông, đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm gần 30 máy móc các loại và thành lập Công ty. Đến nay, đơn vị đã gia công được nhiều mặt hàng như: các chi tiết máy nông nghiệp, phụ tùng ô tô, bánh răng, hộp số thuỷ... 90% sản phẩm của chúng tôi làm ra cung cấp cho Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1 và Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Diezel Sông Công. Năm 2008 lợi nhuận của đơn vị đạt 1,8 tỷ đồng, năm 2009 đạt 2,2 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước trên 230 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng.

 

Các ngành nghề sản xuất phát triển, nên các nhu cầu về dịch vụ hàng hóa cũng tăng đây là điều kiện để các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, thương mại phát triển. Năm bắt nhu cầu này nhiều hộ nông dân trước đây vốn chỉ quen với trồng lúa nay do đất nông nghiệp bị thu hồi để phát triển công nghiệp đã sử dụng tiền đền bù để chuyển đổi sang kinh doanh thương mại, dịch vụ đạt hiệu quả. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây khang trang chị Trần Thị Hương ở Tổ dân phố Nguyên Gon, phường Cải Đan, chia sẻ: Nhà tôi có hơn một mẫu ruộng nay đều thuộc diện thu hồi chỉ còn lại 1 sào, nên toàn bộ số tiền đền bù tôi đầu tư mở của hàng kinh doanh bách hoá tổng hợp, hiện nay mỗi tháng trừ chi phí cũng tôi thu được trên 4 triệu đồng nên cuộc sống rất ổn định. 

 

Trao đổi với chúng tôi đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Chủ tịch UBND thị xã khẳng định: Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn thị xã thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nếu như năm 2005 cơ cấu công nghiệp, xây dựng 67,7%, dịch vụ 5,5% và nông nghiệp 6,7% thì đến hết năm 2009 cơ cấu kinh tế  công nghiệp 76,34%, dịch vụ 18,74% và nông nghiệp chỉ còn 4,92%. Năm 2005 số lao động trong nông nghiệp chiếm 51,3% thì đến cuối năm 2009 chỉ còn chiếm 47,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, năm 2005  giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chỉ đạt 512 tỷ đồng, đến năm 2009 đã đạt 1.413 tỷ đồng, tăng 276% so với năm 2005. Số lượng các hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh với đa dạng ngành nghề như: gia công cơ khí, sắt thép, vật liệu xây dựng, kinh doanh tổng hợp… năm 2006 toàn thị xã mới có 1.038 hộ kinh doanh cá thể thì đến hết năm 2009 đã tăng lên 1.884 hộ. Các hộ kinh doanh này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.