Khi nhận được thông tin 3 xã cuối cùng xuất hiện lợn mắc bệnh tai xanh của tỉnh là Tức Tranh, Yên Ninh, Yên Trạch (Phú Lương) đã qua 21 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới, các hộ chăn nuôi lợn vui lắm.
Cả người tiêu dùng cũng vậy, họ thở phào nhẹ nhõm khi ra chợ không còn nỗi lo mua phải thịt lợn ốm, mắc bệnh tai xanh. Anh Lý Văn Sơn, một người dân ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) nói: Dịch lợn tai xanh không xuất hiện trên địa bàn xã nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến các hộ chăn nuôi lợn ở đây. Giá lợn giống trước khi có dịch tai xanh khá cao (38-40 nghìn đồng/kg), nhưng khi xuất hiện dịch lợn tai xanh, giá lợn giống giảm hẳn (chỉ còn khoảng 19-22 nghìn đồng/kg). Giá thịt lợn hơi bán ra cũng giảm từ 28 nghìn đồng/kg xuống còn 19 đến 22 nghìn đồng/kg. Nay hết dịch tai xanh, giá lợn đã bắt đầu tăng trở lại, đàn lợn con đang đến kỳ xuất bán của gia đình tôi chắc chắn sẽ bán được với giá cao vì nguồn lợn giống hiện nay còn khan hiếm do vừa qua số lợn nái, lợn con mắc bệnh tai xanh bị chết khá nhiều.
Như vậy, sau gần 3 tháng (từ ngày 3/4 đến 28/6) nỗ lực dập dịch lợn tai xanh bằng nhiều biện pháp như: tiêu huỷ toàn bộ số lợn mắc bệnh nặng, lợn chết trong vùng dịch; vệ sinh, khử trùng tiêu độc ổ dịch và vùng bị dịch uy hiếp; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong khu vực, phát hiện sớm, xử lý kịp thời; tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc - xin theo quy định; thành lập chốt kiểm dịch tạm thời ngăn chặn vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đến nay, tỉnh ta đã không chế và dập tắt được dịch bệnh nguy hiểm này. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng chi cục Thú y cho biết: Từ ngày 3/4 đến ngày 7/6, dịch bệnh tai xanh (PRRS) đã xảy ra ở 32 xã, 4 huyện là Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai và T.P Thái Nguyên. Nay dịch bệnh đã được khống chế, dập tắt. Bởi vậy, để việc sản xuất chăn nuôi và lưu thông vận chuyển lợn của địa phương được trở lại bình thường, chúng tôi đã đề nghị Cục Thú y và Cơ quan Thú y Vùng II thẩm định điều kiện công bố hết dịch ở các xã có dịch để tiến tới công bố hết dịch theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh Thú y. Mặc dù dịch bệnh tai xanh ở lợn đã được khống chế và dập tắt nhưng các cơ quan chức năng, các cấp ngành liên quan không chủ quan, lờ là với dịch bệnh. Với mục đích không để dịch bệnh tái phát, hiện nay, bên cạnh khôi phục lại đàn lợn theo hướng dẫn của Cục Thú y, Thái Nguyên vẫn đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa dịch lợn tai xanh.
Theo Phương án sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản năm 2010, năm nay, tỉnh ta phấn đấu phát triển đàn lợn lên 601 nghìn con, tăng 7,3% so với năm 2009, trong đó có 98 nghìn con lợn nái, 503 nghìn con lợn thịt. Với nhiều diễn biến phức tạp, dịch bệnh tai xanh ở lợn đã gây tổn thất rất lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn. Cụ thể, 3.811 con lợn của 428 hộ dân đã mắc bệnh, trong đó có 2.798 con lợn phải tiêu huỷ với tổng số trọng lượng là trên 80 nghìn kg. Do đó, để hoàn thành kế hoạch năm 2010, hiện nay, tỉnh ta đang xây dựng vùng giống sản xuất lợn nái Móng Cái hậu bị và lợn nái lai F1, cải tạo nâng cao chất lượng đàn nái lai F1 trong nông hộ; phát triển nâng cao tỷ lệ đàn giống ngoại năng suất, chất lượng cao tại các trung tâm chăn nuôi, trang trại chăn nuôi tập trung và đàn nái lai tại các gia trại, nông hộ. Bên cạnh đó, thực hiện theo khuyến cáo của Cục Thú y là tổ chức khôi phục chăn nuôi lợn sau dịch phải thận trọng, tránh tư tưởng nóng vội, không tái đàn ồ ạt, Sở Nông nghiệp và PTNT đang hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật cần thiết như: Sau khi xuất bán mỗi lứa lợn hoặc chuyển đàn phải thu dọn chất thải, vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu chăn nuôi; để trống chuồng trong thời gian tối thiểu là 21 ngày đối với cơ sở có dịch và 7 ngày đối với cơ sở không có dịch kể từ ngày vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Hàng ngày, phải thực hiện vệ sinh cơ giới và định kỳ hàng tuần thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bằng một trong các hoá chất sát trùng thông thường như: vôi bột, chlorine, formon, iodine hoặc các loại thuốc sát trùng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người ra vào khu vực chăn nuôi phải sử dụng trang bị bảo hộ phù hợp; thực hiện đúng quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng vào, ra khu chăn nuôi. Đối với các hộ gia đình, không được nuôi thả rông, nền chuồng nuôi cao ráo và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y. Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định. Lợn giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định. Trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly, theo dõi 21 ngày. Thức ăn, nước uống cho đàn lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; thường xuyên theo dõi vật nuôi và báo cho cán bộ thú y khi đàn lợn có biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời…
Với quan điểm phòng bệnh hơn chống bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Chi cục Thú y xây dựng Dự án tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm đối với những địa phương chăn nuôi trọng điểm, có nguy cơ cao, thường xảy ra dịch như Phú Bình, Phổ Yên, T.X Sông Công, T.P Thái Nguyên… tiến tới phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm một cách bền vững, hiệu quả.