Nuôi ong ở Yên Đổ chưa tìm được đầu ra

09:32, 24/07/2010

Xã Yên Đổ (Phú Lương) có diện tích rừng tương đối lớn (hơn 1.900 ha) và nhiều trang trại đồi rừng có các loại cây phong phú là nguồn hoa cho ong lấy mật như: vải, nhãn, bạch đàn… Vì thế nghề nuôi ong ở đây đã có từ lâu đời, chất lượng mật ong thơm ngon.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn nuôi ong của gia đình, ông Hoàng Văn Lương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi ong xã Yên Đổ tâm sự: Năm 2004, theo Chương trình hỗ trợ của Đan Mạch về vốn và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Câu lạc bộ Nuôi ong của Hội Nông dân Yên Đổ được thành lập. Theo đó, mỗi xã viên sẽ được hỗ trợ 100% vốn để mở rộng quy mô đàn ong. Một trang trại nuôi ong thực nghiệm được xây dựng để người dân vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, Câu lạc bộ nuôi ong xã Yên Đổ đã có hơn 50 gia đình ở các xóm: Làng, Gia Trống, Cây Khế… nuôi với tổng số khoảng trên 100 thùng ong. Mô hình nuôi ong đã hỗ trợ cho các hội viên về kỹ thuật chăm sóc đàn ong. Nhiều hộ nuôi ong lâu năm, khi tham gia mô hình còn được tập huấn kỹ thuật về các quy trình làm hòm ong sao cho tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Nhận thấy tiềm năng phát triển nuôi ong lấy mật trên địa bàn là rất lớn và nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao; một đàn ong một năm có thể cho thu hoạch từ 8 đến 10 kg mật, với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg. Vì vậy, để thu hút thêm hội viên và thúc đẩy nghề nuôi ong của xã phát triển, đối với những hội viên nghèo, Câu lạc bộ đã có hỗ trợ về vật tư nuôi ong, cho vay vốn từ quỹ của Câu lạc bộ để mua giống. Thời hạn vay không tính thời gian cố định, khi nào người vay nhân được đàn mới cho thu hoạch mật thì tiếp tục cho người khác vay luân chuyển. Không chỉ bó hẹp trong xã, Câu lạc bộ Nuôi ong xã Yên Đổ còn thường xuyên tổ chức đi giao lưu với các hội viên nuôi ong ở xã Yên Lạc, Vô Tranh và các huyện như: Đại Từ, Chợ Mới (Bắc Kạn) để trao đổi, học hỏi  kinh nghiệm và lấy địa bàn di chuyển đàn ong tới những nơi có nguồn hoa theo mùa vụ giúp tăng năng suất mật. Nhờ nuôi ong, đời sống của các hội viên được cải thiện đáng kể. Đã có một số hộ thoát nghèo nhờ nuôi ong như: Nguyễn Thị Thơm, ở xóm Làng; Nguyễn Văn Dương ở xóm Gia Trống...

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Phong, xóm Gia Trống, có 26 thùng ong. Mỗi thùng ong 1 năm cho khoảng 2,5 đến 3 tạ mật, với giá bán trung bình từ 50 nghìn đồng/kg, ông thu lãi hơn chục triệu đồng/năm. Ông Phong cho biết: Trước đây, gia đình tôi vẫn nuôi ong theo phương pháp truyền thống, ong hay bị bệnh thối ấu trùng và phân đàn bốc bay mất. Nay đã nắm được kỹ thuật thì việc nuôi ong rất đơn giản. Vào mùa  mưa, ít hoa, ong không đi kiếm ăn được thì phải cho ăn thêm đường. Việc quản lý đàn ong cũng phải được quan tâm trong 4 mùa, để tránh chia đàn, vào mùa hè cắt cánh ong chúa cho khỏi bay. Năm nào cũng phải thay ong chúa một lần để chúng đẻ khỏe và cho nhiều mật. Ngoài ra, nuôi ong không thể độc lập được vì bệnh của ong rất dễ lây lan. Vì thế những người nuôi ong thường xuyên thông báo tình hình cho nhau để cùng phòng tránh và điều trị bệnh. Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện nay, chúng tôi không dám đầu tư mở rộng quy mô nuôi vì khâu tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Chủ yếu là tiêu thụ trong huyện và qua những khách hàng quen. Sản lượng tiêu thụ chưa nhiều.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trào, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Có thể thấy, mô hình nuôi ong rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy vậy, chúng tôi cũng đang lúng túng trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong, bởi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.