Lái xe ô tô đưa chúng tôi qua những con đường làng, rồi phăm phăm đi thăm vườn ươm cây lâm nghiệp, cây ăn quả và hồ thả cá của gia đình - Ông bảo: Làm nông dân là phải nói thật, làm thật thì mới thu được thành công. Ông là Dương Văn Lượng, xóm Luông, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ).
Từ năm 20 tuổi (1985), ông đã mạnh dạn nhận thuê hồ nước của xã để nuôi thả cá. Cùng với đó, ông dành vốn đầu tư chăn nuôi dăm ba chục con lợn để… làm giàu. Và gia đình ông là một trong những cơ sở được Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phối hợp cùng chính quyền địa phương đào tạo cho xã hội những kỹ sư nông nghiệp tương lai.
Sau 3 năm đầu tư cho chăn nuôi thuỷ sản, nuôi lợn, ông quyết định “dứt gánh” xin đi xuất khẩu ở Cộng hoà Liên bang Đức. Hơn 4 năm sau ông trở về, có ít vốn dành mua đất, làm nhà và lại bắt đầu sự nghiệp làm giàu. Cách làm giàu của ông rất đơn giản, nhưng hiệu quả kinh tế cao. Đó là vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, trong tỉnh có phong trào trồng cây ăn quả phát triển khá mạnh. Bà con các huyện thi nhau phát dọn đồi đất trồng cây kém hiệu quả kinh tế để chuyển đất sang trồng cây ăn quả, thậm chí không ít hộ còn “bạo tay” phá diện tích chè già cỗi sang trồng mận, mơ, vải, ổi… xoá nghèo.
Nắm bắt được nhu cầu trong nông dân, ông chuẩn bị một con dao nhỏ, vài bịch ni lông và hằng ngày về các vùng nông thôn để mua cây, chiết cành. Cũng vì thế ông tạo được nhiều mối quan hệ mật thiết ở các xóm làng. Nhưng, không ai bước vào làm nghề đều “xuôi chèo mát mái”, ông cũng phải trả học phí bằng mấy nghìn cành vải giống sau khi chiết. Ông bảo: Vụ đó, tôi phải sang Trường Đại học Nông lâm hỏi các thầy Khoa Trồng trọt là vì sao cây mang đi trồng lại bị chết? Khi nắm được kỹ thuật, những vụ sau tôi chiết cây nào, thành cây đó. Chiết xong lại mang cây đến các vùng đất trung du, miền núi, thấy nhà nào có nhiều đất đồi bỏ hoang là tôi vào, tư vấn giúp họ thiết kế vườn cây kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Cùng thời gian, địa bàn của tôi mở rộng đến các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… Nông dân một số vùng nông thôn của Hà Nội cũng đến tận nhà tôi mua cây giống về trồng. Nhiều nông dân nhờ được tư vấn, thiết kế vườn bãi đến nay đã thoát nghèo.
Chiêu ngụm chè nhạt cho vợi cơn khát của nắng nóng mùa hè, tôi hiểu ông là một lão nông thuần tuý, chịu khó lao động và thuộc típ người cần kiệm. Ông say mê với cái nghề chiết ghép và tự tay mình làm. Nhìn ông ghép mắt cây, tôi cảm nhận đây không phải là một nông dân, mà là một nghệ nhân có đôi tay điêu luyện đến từng lát cắt. Hơn thế nữa, trong nghề chiết ghép mắt cây, phân biệt được chính xác từng loại. Ngay như cùng loại hồng, có Hồng Thạch Thất, Nhân Hậu, Việt Cường, Bắc Kạn… ông chỉ cần nhìn qua sắc lá là biết đó là loại nào. Ông tâm sự: Từ 3 năm nay, tôi xây dựng được vườn ươm vệ tinh tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và một số trung tâm giống cây trồng. Tôi chỉ làm mẫu và giám sát về mặt kỹ thuật, sau đó lo bao tiêu sản phẩm. Có năm tôi bán được trên 5 đến 7 vạn cành giống cây ăn quả. Cùng thời gian, vùng đất trung du, miền núi đầy dần cây ăn quả trên các vườn bãi, tôi đã chuyển sang làm giống cây lâm nghiệp. Thêm một lần nữa tôi phải trả học phí. Hơn mười năm trước, khi ươm thử 5 vạn bầu mỡ, keo, lim, muồng đen… do thiếu kinh nghiệm, nên tỷ lệ cây sống chỉ chiếm 50%, giá bán lại thấp hơn so với vốn đầu tư ban đầu. Tôi lại “cắp tráp” sang Trường Đại học Nông lâm hỏi thầy. Khi về nhà tôi đầu tư xây dựng lại khu vườn ươm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho cây giống lâm nghiệp phát triển, nhất là việc lựa chọn đất đóng bầu, hạt giống, kỹ thuật vào bầu cây, độ ẩm cho cây. Có được các điều kiện cần thiết về kỹ thuật, tôi đã thành công ngay sau đó. Vui nhất là những lúc vào vụ, nhà hôm nào cũng có hơn hai chục người đến làm công.
Ông xăm xắn đưa chúng tôi qua các khu ruộng mới cấy, những vuông ao thả cá của gia đình và khu vườn ươm được xây dựng bài bản, đúng quy trình kỹ thuật. Đi hơn nửa giờ, lưng áo chúng tôi ướt đầm, ông dừng lại giới thiệu về 2,5 ha rừng keo Úc của gia đình mới trồng trong năm nay đã cao ngang lưng người. Từ khu rừng mới trồng này, nhìn hồ nước dưới chân rừng lim, nước trong veo, ông phóng túng nói với chúng tôi về những dự định phát triển vùng nghỉ ngơi sinh thái. 3 năm trở lại đây, mỗi năm ông xuất bán cho nông dân trên 2 vạn cành cây ăn quả giống, 2 triệu cây lâm nghiệp. Đặc biệt từ vụ trồng rừng năm 2009 đến nay, vườn ươm của ông là một trong những vườn ươm được tỉnh chọn đưa giống keo Úc nhập ngoại về trồng thử nghiệm thành công.