Bước chuyển Trung Thành

08:41, 20/08/2010

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của huyện Phổ Yên, bám Quốc lộ 3, xã Trung Thành vốn đã có lợi thế về giao thông, lại được tỉnh, huyện lựa chọn là một trong những địa phương trọng điểm để thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN) Nam Phổ Yên, vì thế Trung Thành càng có thêm cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp.

 

Trên cơ sở đó, Đảng bộ xã Trung Thành đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo. Trong đó chọn nhiệm vụ giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư làm khâu đột phá, tạo sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phân bổ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại tăng thu nhập cho người lao động.

 

Đồng chí Phạm Công Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Xã có tổng diện tích tự nhiên gần 9 nghìn ha, chia làm 14 xóm, trên 2 nghìn hộ với khoảng 11 nghìn nhân khẩu. Để thực hiện chương trình phát triển kinh tế, xã đã có nhiều giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng. Trước khi có bất cứ dự án nào vào đầu tư, xã đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền đến nhân dân về chủ trương của tỉnh, huyện, cũng như những lợi ích mà dự án đem lại. Qua đó nhân dân đã thông suốt tư tưởng và đồng tình ủng hộ. Cùng với đó, xã luôn thực hiện đúng quy trình, quy định của Nhà nước về đền bù giải phóng mặt bằng, vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước và của doanh nghiệp, từ đó tạo được niềm tin trong nhân dân. Trong vòng 5 năm xã đã giải phóng được trên 200 ha mặt bằng sạch, liên quan đến gần 1.000 hộ dân, trong đó 50 hộ phải di dời toàn bộ đến khu tái định cư, ngoài ra còn di dời hàng nghìn phần mộ…

 

Đi đôi với công tác giải phóng mặt bằng, để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, xã đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, do vậy các thủ tục đầu tư luôn được thực hiện nhanh gọn, đúng quy trình, giảm tối đa phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Từ năm 2006 đến nay, đã có gần chục dự án lớn, nhỏ đầu tư vào địa bàn như: Khu du lịch sinh thái D&S, HTX May công nghiệp Tân Bình Minh, Nhà máy sản xuất bao bì Quân Thành, Công ty cổ phần xây dựng vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Đa Phúc, khu công nghiệp Lệ Trạch - Đài Loan, Công ty cổ phần Thương mại Gia Phong... Trong số đó, một số đơn vị đã đi vào sản xuất kinh doanh, đóng góp ngân sách, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động. Một trong những dự án thành công nhất là Dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel Gia Phong.

 

Tháng 12-2009, Công ty cổ phần thương mại Gia Phong được chấp thuận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel tại xóm Thu Lỗ với tổng diện tích trên 3ha. Đến tháng 3-2010, Công ty bắt đầu thực hiện san lấp mặt bằng, xây dựng nhà máy lắp đặt dây chuyền sản xuất với tổng mức đầu tư trên 41 tỷ đồng và đến tháng 5-2010, Công ty bắt đầu đi vào sản xuất với công suất 36 triệu viên/năm. Góp phần đã giải quyết việc làm 150 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài đóng góp trong phát triển kinh tế địa phương, Dự án này còn mang ý nghĩa xã hội, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất gạch bằng lò nung thủ công sang sản xuất theo công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.

 

Cùng với việc giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, xã đã tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống. Xóm Cẩm Trà và xóm Phú Thịnh từ lâu đã được biết đến là nơi có tiếng về sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với trên 200 hộ làm nghề. Sản phẩm chủ yếu ở đây là sản xuất các loại con tiện cầu thang. Nghề mộc xuất hiện ở địa phương từ khoảng 20 năm trước, nhưng ban đầu chỉ là một vài hộ làm, mấy năm gần đây, xã đã tuyên truyền vận động các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời có chính sách ưu đãi đối với những hộ phát triển mới nên nghề mộc đã dần lan rộng. Từ chỗ thuần nông, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, nhờ nghề này, Cẩm Trà và Phú Thịnh đã trở thành những xóm có tỷ lệ hộ khá, giàu cao nhất huyện, chiếm trên 70%, số hộ nghèo chỉ còn 5%.

 

Ngoài phát triển nghề mộc, xã còn phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác như: Sản xuất gạch đất nung, vận tải, may công nghiệp, thêu ren... Hằng năm, doanh thu từ ngành tiểu thủ công nghiệp đạt 4,7 tỷ đồng. Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng nên Trung Thành hôm nay đã có một diện mạo mới, đời sống nhân dân được nâng lên, hằng năm xã giải quyết việc làm mới cho 300 lao động, thu nhập bình quân từ 600 nghìn đồng/người/tháng (năm 2005) đến nay tăng lên 1,7 triệu đồng/người/tháng, từ đó tiến một bước dài trong công tác giảm nghèo, từ  500 hộ nghèo (năm 2005) xuống còn 102 hộ.