Tính đến hết năm 2009, Định Hóa có gần 3.323ha chè, là huyện có diện tích chè lớn của tỉnh. Cây chè đã trở thành cây trồng thế mạnh của huyện, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy vậy năng suất và chất lượng chè Định Hóa vẫn thấp. Bên cạnh yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu thì cơ cấu giống chè, cách thức chăm sóc, thu hoạch và phương thức chế biến lạc hậu là những nguyên nhân làm cho chất lượng sản phẩm chè Định Hóa chưa cao.
Từ năm 2006 đến 2009, toàn huyện Định Hóa đã trồng mới và thay thế được 307 ha chè cành, nâng tỷ lệ chè giống mới của toàn huyện đạt khoảng 30%, năng suất chè tươi đạt khoảng 6 tấn/ ha/ năm (thấp hơn năng suất chung của cả tỉnh). Sản lượng chè tươi cua huyện tăng 1,22 lần (khoảng trên 3.000 tấn) do diện tích và năng suất đều tăng chậm. Chỉ tính riêng năm 2009, huyện chỉ được 964 ha chè cao sản (đạt 74,1% kế hoạch của năm), tập trung ở các xã: Điềm Mặc, Bình Yên, Bình Thành, Sơn Phú... Hiệu quả đạt được trong việc tăng năng suất và chất lượng của cây chè còn hạn chế do tỷ lệ diện tích chè giống mới và chè thương phẩm còn thấp. Người nông dân chưa ứng dụng nhiều khoa học- kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và chế biến chè.
Hiện nay, huyện vẫn chưa quy hoạch được các vùng chè đặc sản tập trung để để xây dựng thương hiệu, sản lượng chè khô xuất khẩu và nội tiêu chỉ đạt 1.450 tấn (năm 2009), chiếm khoảng 40% sản lượng chè búp khô. Các nhà máy chế biến chè đen trên địa bàn huyện luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu do người vẫn chủ yếu chế biến theo hình thức thủ công tại gia đình. Điển hình trong việc chế biến thủ công là xóm Yên Hòa (xã Bình Yên) có với 15 ha chè trong đó có 7 ha chè cành. Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng xóm Yên Hòa cho biết: Mặc dù trên địa bàn xã có Nhà máy chế biến chè đen Kiên và Kiên với công suất chế biến mỗi ngày từ 70 đến 80 tấn chè búp tươi nhưng người dân không mấy “mặn mà” vì giá thu mua chè tươi của Nhà máy chỉ khoảng 4.500 đồng đến 5.000 đồng/ kg, thấp hơn giá chè tươi trên thị trường gấn 1.000 đồng/kg. Toàn bộ chè hái về được bà con chế biến thủ công tại gia đình.
Anh Nguyễn Duy Chuyên, gia đình có diện tích chè lớn nhất xóm cho biết: “Mỗi lứa chè, gia đình tôi thu hái được khoảng 1,4 tấn chè búp tươi, toàn bộ chè đều được gia đình chế biến theo hình thức hong nắng”. Theo anh Chuyên, hình thức này có nhiều ưu điểm hơn so với chè sao suốt (chè sao bằng củi), tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền điện, tiền củi đun… Ngoài ra, so với sao suốt, búp chè để hong nắng có thể hái dài hơn nên sản lượng sẽ chè tươi thu được lớn hơn. Trung bình mỗi 1 kg chè khô cần từ 4,5 kg đến 5kg chè tươi, nhưng chế biến theo phương thức thủ công này chỉ cần khoảng 4 kg. Giá một kg chè này chỉ khoảng 33.000 đồng, thấp hơn 7.000 đồng so với chè sao suốt nhưng xét về kinh tế thì vẫn có lợi hơn.
Bà Nguyễn Thị Ước, người cùng xóm chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1 mẫu chè bao gồm cả chè trung du và giống chè cành PH1. Hai loại chè này tôi vẫn sao chung và bán cùng một giá, vì lượng chè tươi lớn, không có người thu hái và chế biến nên đành chấp nhận”. Không chỉ ở Yên Hòa, mà cả xã Bình Yên và nhiều xã khác ở Định Hóa, người dân vẫn có thói quen chế biến chè thủ công. Sản phẩm của hình thức chế biến này thường không khô hoàn toàn, hạn chế thời gian bảo quản, lẫn nhiều tạp chất và không có vị thơm như chè sao suốt hay chế biến công nghiệp. Ở một số xã trên địa bàn huyện một số diện tích chè già cỗi đã được người dân trồng thay thế bằng các giống chè mới..
Đơn cử như Điềm Mặc. Trong những năm qua, xã tập trung vào cải tạo và thay thế diện tích chè trung du bằng các giống chè mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè. Tuy vậy, mỗi năm Điềm Mặc chỉ thay thế được khoảng 2ha, diện tích chè cành hiện có của xã khoảng 50 ha (chiếm 15% diện tích) nâng tổng diện tích của toàn xã lên 300 ha. Ông Đoàn Viết Hưởng, Phó Chủ tịch UNND xã cho biết: Giống chè cành đòi hỏi nhiều công chăm sóc và phân bón, thời gian cho thu hoạch mỗi lứa dài hơn từ 5 đến 7 ngày so với chè trung du, ngoài ra giống chè cành chỉ phù hợp với những khu vực có độ dốc nhỏ nên việc chuyển đổi cơ cấu giống chè ở xã cũng gặp nhiều trở ngại. Thêm nữa, người dân trong xã vẫn chạy theo số lượng, chưa chú trọng nhiều làm chè đặc sản và ứng dụng kỹ thuật chế biến khoa học. Tuy có diện tích chè lớn nhưng ở Điềm Mặc, cây lúa vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Theo ông Lường Văn Vượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Trong những năm tới, Định Hóa xác định cây chè sẽ là cây trồng mũi nhọn. Để nâng cao năng suất và chất lượng cây chè Định Hóa, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh trồng mới và thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống chè cành như: LDP1, Phúc Vân Tiên, TRI 777… quy hoạch các vùng sản xuất chè đặc sản gắn với chế biến theo công nghiệp, thay đổi nhận thức của người dân trong trồng và chế biến chè với mục tiêu đưa cây chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà sẽ trở thành cây làm giàu cho cho người nông dân.