Chị Hoàng Thị Hường (ảnh), xóm Cổng Đồn, xã Cổ Lũng là một trong những phụ nữ điển hình trong làm giàu từ nghề chăn nuôi của huyện Phú Lương. Với gần 40 lợn nái ngoại và hơn 250 lợn thương phẩm được nuôi thường xuyên trong chuồng, từ 5 năm gần đây, mỗi năm gia đình chị có tổng thu nhập 800 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư như giống, cám chăn nuôi, thuốc phòng bệnh và nhân công... mỗi năm gia đình chị có thu lãi từ 130 đến 150 triệu đồng.
Cũng như nhiều thôn nữ khi xây dựng gia đình, ra ở riêng, vợ chồng chị Hường gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư cho sản xuất, nên chuyện “khởi nghiệp” của chị được bắt đầu bằng sự cần cù lao động, tích luỹ và từng bước mở rộng đầu tư cho chăn nuôi. Song so với nhiều chị em khác ở nông thôn, chị được cha mẹ chồng cho cho một khoảnh đất rộng chừng 1.000 m2, đó là thứ tài sản quý. Và trên khu đất này, chị đã suy nghĩ rất nhiều để làm sao cuộc sống của gia đình vợi bớt khó khăn. Bằng chút vốn liếng ít ỏi, chị mở quán bán hàng tạp hoá, đóng ngói xi măng, làm cá giống... Như một thử nghiệm khi bước vào cuộc sống riêng, những nghề chị bươn trải đều chưa thực sự giải quyết được khó khăn trong cuộc sống gia đình. Bao đêm trằn trọc, suy nghĩ, chị thấy mình “tốt duyên” với chăn nuôi lợn, nên đã từng bước chuyên tâm hơn với đàn lợn trong chuồng. Để có lợn giống tốt, hằng ngày chị về các xóm tìm mua con giống, đong cám ngô rồi tự mang về chăn nuôi. Bằng cách vừa nuôi lợn trong chuồng, vừa đi thu gom lợn giống về nuôi bán lại cho tư thương, cùng thời gian đồng vốn trong tay chị dần đầy đặn, và khi đã đủ lực về kinh tế, chị mạnh dạn nuôi thêm lợn nái nội, đẻ được bao nhiêu, chị nuôi tất. Đến năm 2004, chị đã có một cơ ngơi chuồng trại thoáng, rộng, bảo đảm vệ sinh, với 10 lợn nái nội và trên 100 đầu lợn thương phẩm. Chị khiêm tốn bảo: So với nhiều người chăn nuôi khác, mô hình chăn nuôi của tôi có đáng kể gì đâu. Vì sau những chuyến đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, tôi chỉ là một học trò nhỏ.
Nếu đem so sánh với những trang trại chăn nuôi có quy mô vài trăm lợn nái ngoại, dăm nghìn lợn bột trong, ngoài tỉnh mà chị đã được đến thăm quan, thì đàn lợn của chị có thấm vào đâu. Nhưng ở vùng nông thôn như ở xã Cổ Lũng, chăn nuôi có quy mô như của chị Hường được coi là “của hiếm”. Và không bằng lòng với chính mình, trong một lần đi tìm mua lợn giống, lúc đó vào đầu năm 2005, chị nghe bà con nói chuyện nuôi lợn nái ngoại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi lợn nái nội, vậy là chị “bạo phổi” lần đường, tìm đến gia đình ông bà Thái - Thuý, ở xóm Táo (Hùng Sơn - Đại Từ), một hộ chăn nuôi lợn nái ngoại để xin được xem con lợn nái ngoại “nó” như thế nào mà “đẻ” ra tiền nhanh hơn. Lần đầu đi "tầm sư học đạo", chị chưa được ông bà Thái - Thuý cho được “gặp mặt” mấy “chị ỉn ngoại”. Mấy ngày sau đó, chị lại tới nhà ông bà Thái - Thuý, nằng nặc xin mua 3 nái ngoại giống. Khi chủ nhà gật đầu đồng ý bán, chị lại xin được xem lợn, cách chăn nuôi lợn như thế nào rồi mới... trả tiền. Thấy chị có quyết tâm, ông bà Thái - Thuý đã dẫn chị đi thăm nom chuồng trại, phổ biến thêm cho chị kinh nghiệm chăn nuôi... Lúc đó, tháng 3/2005, ngoài 3 nái ngoại mua được của ông bà Thái - Thuý, chị còn về Trại lợn Tân Thái mua thêm 7 nái ngoại về nuôi, lúc đó mỗi nái nặng hơn 30 kg, giá 1 triệu đồng/con. Nhìn mấy “chị ỉn” ngoại đầy đặn, kinh nghiệm cho chị biết chúng là những nái ngoại biết sinh nở và khéo cho con bú.
Để việc chăn nuôi an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài những đợt tham gia tập huấn về chăn nuôi lợn nái ngoại do xã tổ chức, chị còn tự mua thêm sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Rồi, nghe ở đâu có trang trại lớn, chị tự tìm đến xin được học tập kinh nghiệm. Chị tự hào nói với mọi người: Hầu hết các trang trại lớn trong tỉnh Thái nguyên tôi đã đến để xem, học cách làm của họ, qua đó rút ra kinh nghiệm đem ứng dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Chính vì thế mà sau khi chuyển sang chăn nuôi lợn nái ngoại, tôi đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng lại chuồng trại hợp lý, gồm hệ thống cấp nước tự động, bể bioga và chấp hành nghiêm ngặt các quy trình trong chăn nuôi, như tiêm đầy đủ các mũi phòng dịch cho lợn, phun thuốc khử trùng và khu vực chuồng trại chăn nuôi luôn bảo đảm sạch sẽ. Nhưng... vì chưa học hết bài, có vụ hè trời nóng như thiêu, mấy nái mẹ thở hồng hộc, tôi lấy nước phun vào đàn lợn để làm mát. Ngày hôm sau thấy hậu quả lợn con bị chết, còn lợn mẹ cũng lăn ra ốm. Lo quá, tôi vội gọi điện hỏi mấy chủ trại chăn nuôi lớn xin được tư vấn, mới biết: Trời nóng, nước lạnh phun tưới vào khiến lợn bị cảm. Cách sử lý là dùng quạt điện làm mát cho chúng… Với suy nghĩ vướng đâu, hỏi đó, lợn nhà chị Hường ngày càng được nhân đàn. Đến nay, số nái ngoại của chị đã phát triển được gần 40 con, con nái nào cũng ăn khoẻ, sinh sản tốt và trong chuồng chị duy trì thường xuyên trên 250 đầu lợn bột, trung bình mỗi năm chị xuất bán ra thị trường được hơn 50 tấn lợn thương phẩm.
Không chỉ chăn nuôi giỏi, chị Hường còn là một hội viên phụ nữ tích cực ở địa phương. Tuy công việc chăn nuôi bận rộn, nhưng chị thuờng xuyên hướng dẫn cho chị em hội viên phụ nữ cũng như bà con trong vùng kinh nghiệm chăn nuôi của mình. Một số chị em nghèo thiếu vốn, chị cho vay lợn giống, khi có lợn thịt bán thì trả lại không lấy lãi... Nhờ làm kinh tế giỏi và tích cực giúp đỡ mọi người, nên chị được bà con nhân dân trong vùng quý mến; được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng nhiều Bằng khen; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh công nhận đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005 - 2009”.