Chuyện về triệu phú táo xuân 21

15:15, 23/08/2010

Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà hai tầng khang trang giữa vườn cây trái xanh tươi của ông Vũ Ngọc Nhân, xóm Đá Gân, xã Đồng Liên (Phú Bình), trước cửa đề một tấm biển to: “Nhà vườn Vũ Nhân, chuyên cung cấp các loại cây giống”…

 

Sinh năm 1941 trong một gia đình nông dân nên từ nhỏ ông Nhân đã học được đức tính cần cù, chịu khó của cha mẹ. Năm 1971, ông Nhân xây dựng gia đình với người thiếu nữ cùng làng Ngô Thị Liên. Hai vợ chồng ra ở riêng được bố mẹ cho hơn 1 mẫu đất. Với diện tích đó, hai vợ chồng ông cấy lúa nhưng thu nhập thấp vì một nửa là đất trũng chỉ có thể tận dụng những chỗ trên cao để tra lúa cạn vụ chiêm. Cuộc sống vất vả, cực nhọc khiến trong đầu ông luôn nung nấu ý định tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. “Trong cái khó, ló cái khôn”, cuối năm 1993, Hội làm vườn của huyện được thành lập, ông là một trong những người đầu tiên hăng hái đăng ký tham gia. Ông cùng các hội viên đã được đi tham quan mô hình trồng cây ăn quả ở Bắc Giang, Hưng Yên.

 

Trở về, với số vốn ít ỏi ban đầu là 2 triệu đồng, ông vay mượn bạn bè, người thân thêm 5 triệu đồng để san đất, cải tạo vườn trồng cây ăn quả. Và rồi nối tiếp những ngày tháng hai vợ chồng ông cùng các con gánh đất ở bãi bồi ven sông đổ lên vườn trũng. Có những hôm vợ chồng ông miệt mài làm đến tận 9, 10 giờ đêm. Công việc nặng nhọc này kéo dài khoảng 5-6 tháng. San đất xong, ông trồng 100 cây vải, nhãn, táo, ổi trên diện tích gần 3 nghìn m2 đất vườn vừa cải tạo. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng xen canh các loại cây như chuối, đu đủ, bí xanh vào dưới gốc vải, nhãn. Lúc đó chưa có điện lưới nên hàng ngày, vợ chồng ông lại cặm cụi tay gồng, tay gánh múc nước từ sông lên tưới cây. Ông còn dành thời gian chiết, ghép cành các loại cây ăn quả để bán tạo thêm nguồn thu cho gia đình. Mỗi năm, ông bán được từ 2,5 - 3 nghìn cây giống như ổi, táo, vải, nhãn, hồng… với giá từ 4 - 6 nghìn đồng/cành.

 

Chiết ghép cây giống thì ai cũng có thể làm được nhưng để cây giống chiết đúng thời gian, đảm bảo chất lượng thì không phải điều đơn giản. Nhận thức được điều đó nên ông đã tìm đến Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) học kỹ thuật chiết ghép của các kỹ sư nông nghiệp, đồng thời nhờ họ tìm đầu mối tiêu thụ các sản phẩm cây giống của gia đình mình. Khi ấy, cầu Ba Đa chưa xây dựng, việc vận chuyển hàng hóa của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Mỗi vụ trồng cây, ông lại chở 700 cây giống trên chiếc xe máy cà tàng từ con đường lầy lội bùn đất qua chiếc cầu tre lên thành phố. Nhưng “trời không phụ công người”, những vất vả, nỗ lực của gia đình ông đã được đền đáp xứng đáng. Những cây của ông chất lượng đảm bảo, giá bán lại rẻ hơn so với các nơi khác từ 10-15% nên càng ngày càng có nhiều người đến đặt mua hàng với số lượng lớn. Hàng năm, nguồn thu từ mặt hàng này đã đem lại cho gia đình ông từ 70 - 80 triệu đồng.

 

Vừa dẫn chúng tôi tham quan khu vườn được quy hoạch từng loại cây trồng như táo, nhãn và khu nhân giống riêng, ông Nhân vừa kể: “Cuộc sống của gia đình tôi thực sự được “đổi đời” là nhờ cây táo xuân 21. Năm 2001, đọc được thông tin trên Bản tin của Trung ương Hội Nông dân và Báo Nông thôn ngày nay có giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo xuân 21 chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao. Tôi vô cùng thích thú và đã xuống tận Trường Đại học Nông nghiệp I mua 5 cây táo về trồng thử tại vườn. Sau một năm, cây táo sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu 1 tạ, quả ăn ngọt và giòn, bán ra thị trường với giá cao 14 nghìn đồng/kg. Thấy cây táo phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất này, chăm sóc đơn giản lại cho nguồn thu cao nên tôi quyết định mua thêm 50 cây táo về trồng, đến nay trong vườn nhà tôi đã có gần 1 nghìn cây”. Nhận thấy phát triển loại táo này cho thu nhập cao, ông đã mày mò tìm cách chiết cành táo giống để bán cho các hộ trong khu vực và nhiệt tình hướng dẫn họ cách chăm sóc táo đem lại nguồn thu hiệu quả (hiện ở xã có trên 25 hộ nhờ sự giúp đỡ của ông đã phát triển cây táo xuân 21 cho thu nhập khá). Đi trong vườn táo rộng mênh mông, ngắm những gốc táo được chăm sóc kỹ càng đang căng tràn sức sống tôi thật vui khi biết năm 2007, riêng nguồn thu từ vườn táo mang lại cho gia đình ông trên 100 triệu đồng, năm 2008 thu lãi trên 280 triệu đồng, năm 2009 là 380 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản thu từ cây giống và cây ăn quả ổn định cho gia đình ông trên dưới 100 triệu đồng/năm. Hàng năm, gia đình ông đều mua đất mở rộng diện tích vườn, từ gần 3 nghìn m2 đất lúc đầu hiện gia đình ông đã mua thêm đất mở rộng khu vườn ra 20 nghìn m2 trồng các loại cây ăn quả và nhân giống các loại táo, ổi, nhãn, vải, cây cảnh như đào bích, đào phai… Trong khu vườn còn có một hệ thống mương máng được xây dựng bao quanh để cung cấp nước tưới cho các loại cây cùng nhiều máy móc thiết bị và nguồn cây giống trị giá đầu tư hàng tỷ đồng…

Là một hội viên nông dân linh hoạt, sáng tạo làm kinh tế giỏi, ông Nhân đã được nhận Kỷ niệm chương vì Giai cấp nông dân Việt Nam, được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, Giấy khen là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình ông được nhận Giấy khen của UBND huyện là gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2007-2009. Nhận xét về ông Vũ Ngọc Nhân, ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên nói: “Ông Nhân là Tổ trưởng tổ làm vườn của xã, một hội viên nông dân tiêu biểu có ý chí, nghị lực, say mê tìm cách vươn lên làm giàu. Không những vậy, ông Nhân còn tích cực giúp đỡ cho các hộ nghèo bằng cách cung cấp cây con giống, đến khi họ thu hoạch mới phải trả tiền, tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây cho người dân có nhu cầu”…