Đổi mới ở Là Dương

08:33, 14/08/2010

Xóm Là Dương, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) hiện có 56ha đất nông nghiệp. Điều kiện sản xuất ở đây còn nhiều khó khăn do phần lớn diện tích đất canh tác chưa chủ động được nguồn nước tưới. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, diện mạo của xóm đã có nhiều đổi thay...

 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng xóm Là Dương nói: Đổi thay lớn nhất của xóm là người dân nơi đây đã mạnh dạn đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu như 4, 5 năm trước, bà con chủ yếu sử dụng sức trâu bò để cày bừa thì nay các hộ dân đã làm đất bằng máy cày. Hiện, xóm có 186 thì đã có tới 95 hộ mua được máy cày tay ( chiếm trên 50% tổng số hộ dân trong xóm). Ngoài ra xóm còn có 70 máy cắt lúa, 75 máy cắt cỏ bờ. Việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân đỡ vất vả hơn, năng suất lao động tăng cao. Năm nay, trên 50 ha lúa vụ mùa được bà con gieo cấy xong chỉ trong vòng một tuần, nhanh gấp đôi, gấp ba so với việc sử dụng sức kéo trâu bò.

 

Anh Nông Văn Đạt, một người dân trong xóm cho biết: Gia đình tôi có 1,5 mẫu ruộng. Nếu dùng sức kéo của trâu thì số ruộng của gia đình phải cày, bừa liên tục trên 10 ngày mới xong. Hơn nữa, phần lớn diện tích đất ruộng của gia đình chưa chủ động được nước, vẫn phụ thuộc vào nước mưa nên gia đình tôi đã đầu tư mua máy cày để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy khi có nước mưa. Mỗi ngày, một người có thể cày được ít nhất 6-7 sào ruộng, nhanh gấp 3 lần so với dùng sức kéo của trâu, bò. Máy cày không chỉ giúp bà con cày ruộng được sâu, bừa được kỹ hơn mà còn giúp cho việc vận chuyển các sản phẩm nông sản, phân bón... được dễ dàng, thuận tiện.

 

Bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, bà con trong xóm còn tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: đưa nhiều loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh tăng vụ. Cụ thể là các giống lúa mới (Khang Dân đột biến, VL20, TH3-3, HYT83), có sức chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao thay thế các loại giống cũ kém chất lượng; các giống ngô lai (VNL4, Biosit ...). Vụ xuân năm nay, lần đầu tiên người dân Là Dương đã gieo cấy được 5ha giống lúa SH2 cho năng suất trên 250 kg/sào, cao hơn gần 100kg/sào so với giống lúa Khang dân. Bên cạnh đó, xã cũng đang phát triển cây thuốc lá. Loại cây này đã được trồng trên đồng đất Là Dương từ cả chục năm nay nhưng phải đến năm 2007 mới trở thành cây trồng chủ lực. Mỗi năm, xóm trồng gần 40 ha thuốc lá vào vụ Đông. Nếu vụ thuốc lá được mùa, được giá thì số tiền lãi từ trồng loại cây này lên đến hàng chục triệu đồng/sào. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, 2 năm nay, mỗi năm, xóm đã cấy được 2 vụ lúa, một vụ trồng màu (trước đây chỉ có 2 vụ lúa).. 

 

Để nâng cao thu nhập, bà con trong xóm còn phát triển chăn nuôi lợn, gà. Như gia đình ông Triệu Văn Thao, ngoài cấy lúa, trồng ngô mỗi năm, ông nuôi thêm 3 con lợn nái, trên 40 con lợn thịt, trung bình mỗi lứa trên 20 con, trừ chi phí, thu lãi trên 30 triệu đồng. Hoặc như gia đình anh Vi Văn Tài, từ đầu năm đến nay đã chuyển hướng từ chăn nuôi lợn lai siêu nạc sang nuôi lợn rừng kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn. Sau khi tìm hiểu kinh nghiệm nuôi lợn rừng cũng như đầu ra cho sản phẩm, anh đã mạnh dạn đầu tư trên 30 triệu đồng để mua 12 con lợn rừng về nuôi, hiện 2 con lợn mẹ sắp đẻ. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi 250 con gà thả vườn, dự kiến sẽ cho thu trên 20 triệu đồng sau khoảng 2, 3 tháng nữa. Nếu thành công với mô hình chăn nuôi này, anh sẽ vay thêm vốn ngân hàng để tiếp tục mở rộng sản xuất.

 

Mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giống vật nuôi ... nên đời sống của người dân trong xóm đã được nâng lên rõ rệt. Ông Đặng Hữu An, Bí thư Chi bộ xóm tự hào: Hiện, xóm không còn hộ đói, chỉ còn 23 hộ nghèo, giảm 10 hộ so với năm 2008. Nếu như mức thu nhập bình quân đầu người năm 2004 đạt khoảng 3 triệu đồng/người/năm thì nay đã đạt 5 triệu đồng/người/năm. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con mạnh dạn đưa thêm nhiều loại cây trồng có năng suất, giá trị cao, phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương vào gieo trồng; phát triển các loại vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng...