Để giúp người nông dân trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai từng bước tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, nhất là phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại cho thu nhập cao, trong những năm qua ngành Nông nghiệp huyện đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình chăn nuôi ở hầu hết các xã vùng cao của huyện. Bước đầu cho thấy, các mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Gia đình nhà bà Dương Thị Hải, xóm Nác, xã Liên Minh bắt đầu nuôi bò từ năm 2005 với 2 con bò cái sinh sản, nhưng do thiếu kiến thức nên việc chăn nuôi không thuận lợi, bò sinh sản chậm, hay mắc bệnh và chậm lớn. Giữa năm 2009, được sự hỗ trợ 10 triệu đồng để mua con giống và các cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc đàn bò, bà Hải đã mạnh dạn mua 10 con bò cái sinh sản và một con bò đực lai. Chỉ sau chưa đầy một năm chăm sóc, đàn bò của gia đình bà đã đẻ được 8 con bê con, đến nay gia đình bà đã có tất cả 22 con. Bà Hải phấn khởi khoe hiện nay đàn bò của gia đình đến cuối năm 2010 này chắc chắn sẽ tăng lên 30 con.
Thấy được hiệu quả và hướng phát triển tốt từ mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại của gia đình bà Hải, hiện nay ở xóm Nác có hai hộ dân khác cũng bắt đầu làm theo. Theo đánh giá của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện thì đàn bò của hai hộ dân này đang sinh trưởng, phát triển tốt, đối với những con bò cái sẽ sinh sản đúng chu kỳ do người dân bước đầu đã biết chăn bổ sung thức ăn đủ chất dinh dưỡng và phòng bệnh cho đàn gia súc. Được biết, hầu hết các hộ dân ở xóm Nác đều là dân tộc Dao và từ trước đến nay, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con đều theo lối cũ là chăn thả tự nhiên chứ chưa quan tâm đến việc chăn bổ sung thức ăn cho đàn gia súc. Do vậy mô hình chăn nuôi bò theo hướng trang trại được thực hiện thí điểm tại địa bàn xóm là hết sức cần thiết. Thông qua thực hiện mô hình, góp phần cung cấp cho bà con nơi đây những kiến thức cần thiết để chăn nuôi có hiệu quả, khai thác tốt thế mạnh sẵn có ở địa phương về nguồn thức ăn dồi dào từ vườn rừng để phát triển chăn nuôi gia súc, mở ra một hướng đi mới về phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Đó mới chỉ là mô hình thực hiện thí điểm của Trạm Khuyến nông huyện tại xóm Nác. Nhiều xóm, bản khác trên địa bàn huyện người dân đã biết khai thác thế mạnh của vườn rừng để chăn nuôi gia súc nhưng mới chỉ dừng lại ở chăn nuôi nhỏ lẻ một vài con. Võ Nhai có diện tích đất đồi rừng khá lớn, đây là điều kiện tốt cung cấp thức ăn tự nhiên cho đàn gia súc và xây dựng các mô hình trang trại, song hiện nay cả huyện mới có 6 mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng trang trại và 6 mô hình trang trại tổng hợp. Bà Âu Thị An, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Hiện nay, Trạm đang tập trung thực hiện thí điểm mô hình trước khi nhân ra diện rộng đối với chăn nuôi như: thâm canh cá ao, nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và bước đầu triển khai mô hình chăn nuôi bò theo hướng trang trại. Tất cả những mô hình trên được thực hiện thí điểm bước đầu đã đem lại hiệu quả cao hơn so với việc chăn thả nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ hiệu quả của các mô hình thì hiện nay trên địa bàn bà con mới tập trung phát triển chăn nuôi đàn lợn, đàn gà theo hướng công nghiệp là chủ yếu bởi kỹ thuật chăn nuôi không quá phức tạp, thời gian ngắn, vốn đầu tư không nhiều và đầu ra cho sản phẩm này thuận lợi hơn. Do vậy việc thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi gia súc như mô hình mà Trung tâm đã thực hiện tại gia đình bà Hải, ở xóm Nác là hết sức cần thiết, góp phần bổ sung kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi chăn nuôi theo hướng trang trại, dần dần từ bỏ tập quán tập quán chăn nuôi cũ, thu nhập thấp mà thay vào đó là cách chăn nuôi mới đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.
Có thể nói hiệu quả bước đầu từ mô hình chăn nuôi bò theo hướng trang trại được thực hiện thí điểm ở xóm Nác chính là lời giải bước đầu cho bài toán trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương về đầu tư phát triển kinh tế theo hướng trang trai. Từ cách chăn nuôi này sẽ giúp người nông dân tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, số lượng nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài huyện.