Trước thực tế, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện nên trong nhiệm kỳ qua, Phú Bình đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm chuyển dịch cơ cấu nội ngành, theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành Chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt để tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích. Đến nay, ngành chăn nuôi của huyện đã chiếm tới 48% trong ngành nông nghiệp.
Phú Bình hiện có hơn 33 nghìn hộ, trong đó, có khoảng 40% số hộ tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô từ 5-7 con lợn, hàng trăm con gà/lứa, trong số này có 206 hộ được công nhận là phát triển kinh tế theo mô hình trang trại; trên 2.000 hộ chăn nuôi theo hình thức bán trang trại, với quy mô 50 con lợn/lứa hoặc 2.000 con gà/lứa. Trước đây, người dân trên địa bàn chỉ chăn nuôi với số lượng ít, manh mún, chủ yếu là tận dụng thức ăn, lương thực dư thừa của gia đình, không mấy người nghĩ đến việc làm giàu từ nghề chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, cùng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự định hướng, giúp đỡ của chính quyền các cấp nên người dân trên địa bàn đã bắt đầu quan tâm đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn huyện hiện có 1,4 triệu con gia cầm, 140 nghìn con lợn, 28 nghìn con trâu, bò... Từ năm 2008 đến nay, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên dưới 15 nghìn tấn/năm.
Hiện, giá trị kinh tế mà ngành chăn nuôi mang lại đã đạt 48% trong ngành nông nghiệp. Rất nhiều hộ dân đã thoát được nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi. Hầu hết, các trang trại có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, thậm chí có trang trại lãi tới 300-400 triệu đồng/năm. Ngoài những vật nuôi truyền thống, có khoảng 1,5 nghìn hộ mạnh dạn nuôi những loại con "đặc sản", mang lại giá trị kinh tế cao, như: lợn rừng, hươu, ba ba, nhím, gà lôi, thỏ, ngựa bạch… Nhiều câu lạc bộ chăn nuôi đã được thành lập, với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi có thêm kinh nghiệm, nắm vững khoa học kỹ thuật cũng như giải quyết vấn đề đầu vào, đầu ra của sản phẩm.
Để ngành chăn nuôi phát triển, huyện đã đồng thời đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực như: Khuyến khích và tạo điều kiện để các gia đình phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, tập trung; hạn chế việc chăn nuôi nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Hàng năm, các cơ quan chức năng của huyện đều tiến hành điều tra, khảo sát thực tế chăn nuôi của các hộ để trên cơ sở đó, cấp giấy chứng nhận trang trại cho những hộ có đủ tiêu chí (những hộ có giấy chứng nhận trang trại sẽ được tạo điều kiện vay vốn ở các ngân hàng trên địa bàn, trong đó có Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện được vay từ 30-200 triệu đồng, thời hạn từ 1-3 năm, với lãi suất ưu đãi).
Toàn huyện hiện có 227 trang trại, trong đó có 206 trang trại chăn nuôi và có khoảng 100 hộ khác cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận trang trại vào cuối năm nay. Đối với đàn lợn - con vật nuôi truyền thống, được nhiều gia đình lựa chọn, huyện đã thực hiện việc tuyển chọn đàn lợn đực giống để khuyến cáo đến người chăn nuôi lấy giống từ những con lợn này nhằm đảm bảo chất lượng cho đàn lợn con. Huyện cũng dành cơ chế ưu tiên đối với các trang trại và những hộ chăn nuôi lớn trong việc xây hầm khí bioga nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và làm nhiên liệu. Đến nay, 100% trang trại trên địa bàn đều đã xây được từ 1-3 hầm khí bioga. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, huyện đồng thời chú trọng thực hiện tốt 2 biện pháp đó là tiêm phòng và vệ sinh thú ý. Hàng năm, các hộ chăn nuôi đều được triển khai và hỗ trợ tiêm phòng theo quy định của Nhà nước. Nhờ đó, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện luôn duy được duy trì ổn định và ngày càng có xu thế phát triển.
Chị Dương Thị Hạnh, TDP 3, thị trấn Hương Sơn, người có hàng chục năm làm nghề ấp trứng cho biết: Cách đây hơn 2 tháng, tôi được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho vay 150 triệu đồng. Số tiền này đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của gia đình, số tiền này mới chỉ đáp ứng được 50%. Tôi mong muốn, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho những hộ sản xuất, kinh doanh lớn như chúng tôi được vay vốn nhiều hơn.
Để ngành chăn nuôi nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung phát triển một cách hiệu quả, bền vững, theo đồng chí Dương Tuấn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì: Huyện đã và đang thực hiện việc quy hoạch để đưa ngành chăn nuôi ra ngoài khu vực dân cư nhằm đảm bảo môi trường, đồng thời giúp các hộ dân thuận lợi hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh và tăng quy mô sản xuất; tăng cường công tác đào tạo, giúp người chăn nuôi được học tập các lớp sơ, trung cấp thú y ngay tại địa phương để người dân nắm vững các kiến thức có liên quan, giúp việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến để mỗi người chăn nuôi là một cán bộ thú y, biết cách phòng, chống các loại dịch bệnh thông thường...