Từ nhiều năm nay, làng Phẩm, xã Dương Thành (Phú Bình) được biết đến với nghề nuôi và nấu cao ngựa bạch. Không ít hộ dân đã trở nên giàu có từ nghề chăn nuôi này. Trung bình, mỗi con ngựa cho người dân thu nhập từ 10-15 triệu đồng/năm. Thành lập mô hình hợp tác xã kinh doanh và chăn nuôi ngựa bạch đã và đang là mong muốn của nhiều hộ dân nơi đây...
Theo một số người dân trong làng, nghề nuôi ngựa bạch bắt đầu xuất hiện ở đây từ khoảng 40 năm về trước với vài ba hộ. Dần dần, do nhu cầu thị trường tăng cao nên số lượng người nuôi cũng ngày một nhiều. Trước sự phát triển này, khoảng 10 năm trước, người dân trong xóm bắt đầu nghĩ đến việc nhân giống. Một số người đã tìm đến Trại ngựa Căng Bá Vân (Trung tâm Chăn nuôi miền núi phía Bắc, thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) ở T.X Sông Công để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và lấy đực giống. Sau nhiều lần tìm đến học hỏi, nếm trải cả những thất bại, một số hộ dân nơi đây đã bắt đầu thành công trong việc nhân giống ngựa bạch. Cũng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Trại ngựa Căng Bá Vân, tháng 10/2008, Hội Chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành được thành lập. Hội trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi. Khi đó, Hội có 36 thành viên, phần lớn là người làng Phẩm, số ít là người dân địa phương khác. Đến nay, Hội đã kết nạp được thêm 8 thành viên. Những thành viên tham gia Hội được hướng dẫn khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, hỗ trợ khi gặp rủi ro và được lấy đực giống cho ngựa không mất tiền (trong khi, nếu không phải hội viên, mỗi lần lấy đực giống phải trả từ 1,5-2 triệu đồng).
Thức ăn của ngựa bạch đơn giản như ngựa vàng, gồm: cỏ, ngô, thóc, sắn. Ngựa chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, tại 2 chợ: Bảo Lạc (Cao Bằng) và Bật Bá, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn). Trung bình mỗi tháng, Hội lại tổ chức từ 4-5 lần để đi mua ngựa. Căn cứ vào nhu cầu hội viên đăng ký mà mỗi chuyến đi, Hội mua từ 8-15 con. Theo anh Đào Văn Thặng, một trong những hộ chăn nuôi với số lượng lớn thì nuôi ngựa bạch không khó, nguồn thức ăn lại đơn giản, dễ kiếm, trong khi lợi nhuận mang lại khá cao, không lo ế hàng, chính vì thế ngày càng có nhiều hộ chọn vật nuôi này để phát triển kinh tế. Ngoài các hộ tham gia vào Hội, ở làng Phẩm hiện còn hơn 30 hộ khác cũng đang nuôi ngựa bạch, từ 1-6 con. Nhiều hộ có vốn đầu tư nhưng không có nguồn nhân lực để nuôi nên đã thuê những hộ dân khác có điều kiện nuôi, với mức chi phí 600 nghìn đồng/tháng. Hiện, trung bình mỗi con ngựa thịt có giá bán trên dưới 50 triệu đồng. Cá biệt có con trị giá đến 70-80 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi, người dân nơi đây còn rất chuyên nghiệp trong việc nấu cao ngựa. Cả làng hiện có trên 60 người chuyên đi thịt và nấu cao thuê. Trung bình mỗi con ngựa được thuê nấu cao với giá từ 2-3 triệu đồng.
Thu nhập từ nghề chăn nuôi và kinh doanh ngựa bạch đã giúp nhiều gia đình nơi đây có điều kiện mở rộng sang ngành nghề khác, như: kinh doanh hàng hóa, vận tải, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ... Anh Trương Văn Đoàn, Hội trưởng Hội Chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành cho biết: Vài năm trở lại đây, từ nghề kinh doanh và chăn nuôi ngựa bạch, mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ 150-200 triệu đồng. Nhờ đó, tôi đã có vốn để mở xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ theo mẫu mã của sản phẩm Đồng Kỵ. Hiện, xưởng sản xuất của gia đình tôi giải quyết việc làm cho 30 lao động... Không chỉ có gia đình tôi, nhiều hộ dân khác như hộ ông: Đào Văn Thặng, Dương Quốc Mạnh, Dương Quang Bách, Dương Văn Ban… cũng có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
Anh Trương Văn Đoàn cho chúng tôi biết: Nghề kinh doanh và chăn nuôi ngựa bạch sẽ tiếp tục được phát triển trong những năm tới. Hội đang có hướng thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi ngựa bạch và Phục vụ nấu cao. Nhiều hội viên và cả những dân nơi đây đều mong muốn, họ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ nhiều hơn về khoa học, kỹ thuật và thông qua đó sẽ tạo được thương hiệu của nghề chăn nuôi ngựa bạch.