Khó mở rộng diện tích lúa lai ở Phổ Yên

09:51, 06/08/2010

Năm 2010, huyện Phổ Yên có kế hoạch cấy 1.400ha lúa lai. Nhưng kết quả đã không như mong đợi trong cả 2 vụ lúa (vụ xuân và vụ mùa) diện tích lúa lai chỉ đạt trên 400ha, chưa đạt một nửa kế hoạch đề ra.

 

Để thực hiện kế hoạch, huyện đã giao chỉ tiêu xuống các xã, thị trấn và đưa việc hoàn thành kế hoạch cấy hết diện tích lúa lai là một trong những chỉ tiêu để bình xét thi đua của các địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã cử cán bộ khuyến nông phụ trách các địa bàn tăng cường tuyên truyền chủ trương của tỉnh về chuyển dịch cơ cấu giống lúa. Để khuyến khích bà con chuyển từ cấy lúa thuần sang lúa lai, ngoài chính sách hỗ trợ 10 nghìn đồng/1kg giống lúa lai của tỉnh, huyện hỗ trợ thêm 1kg kali/sào và 10 nghìn đồng/1kg giống đối với các giống có giá dưới 50 nghìn đồng/kg như: Việt lai 20, TH33…; 15 nghìn đồng/1kg giống đối với các giống có giá trên 50 nghìn đồng/kg như: Syn6, Q.ưu số 1… Sau khi nghiệm thu xong, huyện còn hỗ trợ thêm 50 nghìn đồng/1ha đối với những diện tích đạt 60-65 tạ/ha. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện ô mẫu lúa lai để bà con nhân dân thấy được hiệu quả, từ đó tích cực chuyển đổi từ cấy lúa thuần sang lúa lai.

 

Nguyên nhân dẫn đến diện tích lúa lai của huyện đạt thấp, đồng chí Dương Thị Chai, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Đa số bà con có nguyện vọng cấy giống lúa lai Syn6, trong khi cả huyện mới được cấp 1 tấn giống lúa này, chỉ có thể cung ứng đủ cho 2 xóm là: Coóng Lẹng và Quân Cay, xã Phúc Thuận. Các địa phương khác có nhu cầu, chúng tôi lại phải khuyến cáo bà con chuyển sang các giống lúa lai khác như: Q.ưu số 1, Việt lai 20, 838… Nhưng việc tuyên truyền để bà con nhất trí chuyển từ giống Syn6 sang các giống lúa lai khác là rất khó khăn, bởi từ trước tới nay, huyện mới chỉ thực hiện 3 ô mẫu giống lúa lai Syn6 mà chưa có điều kiện thực hiện ô mẫu đối với các giống lúa lai khác, bà con chưa được thấy tận mắt hiệu quả của các giống này nên còn rụt rè chưa dám đưa vào trồng đại trà. Chính vì vậy, một số hộ sau khi không đăng ký được giống Syn6 lại quay về cấy các giống lúa thuần.

 

Ông Nguyễn Văn Thuận, xóm Thành Lập, xã Đồng Tiến cho biết: Năm 2008, xã đã thực hiện ô mẫu giống lúa Syn6, nhận thấy đây là giống lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo lại ngon nên năm 2009, tôi đã đăng ký cấy 3 sào. Kết quả, năng suất đạt khoảng 2,7 tạ/sào cao hơn hẳn so với giống Khang dân tôi vẫn cấy mọi năm. Năm nay, tôi lại tiếp tục đăng ký nhưng do không có giống nên đành quay về cấy giống Khang dân. Cũng có nguyện vọng cấy giống lúa Syn6 nhưng không có giống nên chị Nguyễn Thị Thiềng, xóm Trường Thịnh, xã Nam Tiến lại cấy các giống lúa thuần trên toàn bộ diện tích ruộng nhà mình, chị Thiềng cho biết: Gia đình tôi có 7 sào ruộng, theo tập quán của ông bà cha mẹ, từ trước tới nay, gia đình chỉ cấy các giống lúa thuần, chủ yếu là Khang dân. Vài năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông khuyến cáo cấy lúa lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn, tôi đã tìm vào xã Phúc Thuận để tận mắt xem ô mẫu lúa Syn6. Quả thực giống lúa này rất tốt, chất lượng gạo ngon, thấy thế tôi cũng muốn chuyển sang cấy giống Syn6, nhưng khi lên xã hỏi thì cán bộ khuyến nông lại bảo hết giống và vận động tôi chuyển sang các giống lúa lai khác như: Việt lai 20, Bồi tạp 49, TH33… Chưa tận mắt thấy được hiệu quả của các giống lúa lai này, nên tôi không dám chuyển đổi, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng này, nhỡ hỏng 1 vụ thì gia đình đói mất.

 

Thất bại từ việc thực hiện chỉ tiêu cấy lúa lai ở Phổ Yên cho thấy nguyên nhân là do các khâu từ tuyên truyền, vận động, thực hiện ô mẫu đến đưa vào trồng đại trà còn chưa đồng bộ. Để tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng, đồng chí Dương Thị Chai cho biết thêm: Tỉnh cần có chiến lược về chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, trong đó các khâu cần có sự đồng bộ. Ban đầu là thực hiện ô mẫu, sau đó từ kết quả đánh giá thực tế của ô mẫu mới tuyên truyền để nhân dân thấy được hiệu quả của giống cây mới và sau khi được nhân dân đón nhận thì cần có lượng giống đủ để cung ứng cho bà con.