Không nên dừng ngay xuất khẩu than

07:46, 27/08/2010

Không nên dừng ngay xuất khẩu than mà nên chọn giải pháp sớm điều chỉnh giá than theo cơ chế thị trường để TKV có vốn đầu tư phát triển nhằm giảm dần xuất khẩu

 

Ông Nguyễn Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Điện - Than thổ lộ, việc xuất khẩu than hồi ông còn làm việc chỉ là những loại than xấu, các nhà máy trong nước không dùng. Những loại than “thải loại” này cùng đất đá chất đầy như núi ở các mỏ khai thác than. Sau này, khi có người mua thì mình bán. “Xuất khẩu than nó ở trong tình thế như vậy, xã hội không biết thì cứ lên án xuất khẩu rồi lại nhập khẩu. Lên án như vậy là không đúng” – ông Chân khẳng định.

 

Mình bỏ, người ta cần thì bán

 

Theo ông Chân, thời Pháp, họ cũng chỉ lấy những loại than dưới 32% tro (có loại nguyên sinh từ trong cây cối, mình gọi là khoáng chất và đất đá lẫn vào khi khai thác), trên mức đó không dùng được vào việc gì. Sau này, mình cứ theo tiêu chuẩn ấy mà làm. Những loại than xấu bị thải ra ở mỏ cũng có, thải ở nhà máy tuyển than Cửa Ông (Quảng Ninh) cũng có. Khi các nhà máy điện và xi măng ở miền Nam Trung Quốc thiếu than, họ phải đưa từ miền Bắc xuống, chi phí rất lớn. Để khắc phục, họ đã mua các loại than xấu mà nước ta bỏ đi trước đó. Trung Quốc cần thì mình bán.

 

Ở Cửa Ông, trước đây than cùng đất, đá thải loại ra chất cao như trái núi, thì bây giờ sạch sành sanh. Trên những núi than thải này, người ta đã trồng cây, cải tạo môi trường rất tốt. Ngay ở mỏ, những loại than xấu thải loại ra cũng được đem nghiền ra mà bán. “Tại mỏ Núi Béo, than 58% tro vẫn có thể bán được. Trong nước không dùng cái đấy, các nhà máy nhiệt điện của mình không dùng than đấy. Cho nên xuất khẩu được thì cứ xuất khẩu chứ để làm gì” - ông Chân khẳng định.

 

Theo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), do nhiều năm giá than trong nước bán cho các hộ lớn (điện, xi măng, giấy, phân bón) thấp hơn giá thành, nên TKV đã phải lấy nguồn thu từ xuất khẩu để bù cho than trong nước. Nhờ có xuất khẩu than, tăng được sản lượng theo kế hoạch, TKV đã đảm bảo cân đối vốn để đầu tư xây dựng các mỏ than hầm lò có vốn đầu tư cao, đầu tư đổi mới công nghệ, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân mỏ và đào tạo đội ngũ công nhân, cán bộ để chuẩn bị cho tăng sản lượng trong những năm tới, khi nhu cầu than cho điện tăng rất cao.

 

Trên thực tế, năng lực sản xuất của TKV đã tăng nhanh. “Nếu theo quy hoạch 20/2003/QĐ-TTg ngày 29/1/2003 thì mục tiêu đặt ra cho năm 2015 sản xuất khoảng 26-27 triệu tấn than sạch thì nay TKV đã xây dựng kế hoạch để đạt khoảng 60 triệu tấn than sạch vào năm 2015” - TKV đánh giá.

 

Dừng xuất 4 năm, đủ dùng cho 1 năm

 

Với sản lượng than hiện nay (khoảng 44 triệu tấn than sạch/năm) thì than cám tốt (cám 3, 4a) có khoảng 8 triệu tấn, trong khi đó dùng cho sản xuất xi măng, giấy cần khoảng 7 triệu tấn, chiếm gần 90% loại than này. Do đó, nếu có giảm lượng xuất khẩu thì tối đa chỉ giảm được khoảng 1 triệu tấn than cám 3, cám 4a thừa ra, tương ứng giảm tổng sản lượng 4,4 triệu tấn than sạch. Vì vậy, phải sản xuất gần 40 triệu tấn than sạch thì mới đủ than cám 3, cám 4a cho các nhà máy xi măng, giấy trong nước, đồng thời giá bán than cho các hộ lớn đều phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Khi đó, với nhu cầu than trong nước năm 2010 là 23-23,5 triệu tấn (bao gồm gần 7 triệu tấn than cho xi măng, 1,5 triệu tấn than cục các loại cho phân bón và hộ khác còn lại là than cám 1, cám 2, cám 4b, cám 5, cám 6 cho điện và hộ khác) thì số than còn lại là các sản phẩm đồng hành khoảng 17 triệu tấn vẫn phải xuất khẩu (gồm khoảng gần 1 triệu tấn than cục, 3,5 triệu tấn than cám 5 và khoảng 12,5 triệu tấn than cám nhiệt năng thấp: cám 6, cám 7). Nếu không sẽ tồn kho, TKV sẽ không cân đối được tài chính.

 

Theo TKV, dù có dừng hẳn xuất khẩu từ năm 2011 thì cũng chỉ giảm được 46 triệu tấn than (năm 2011: 17 triệu tấn, năm 2012: 14 triệu tấn, năm 2013: 8,5 triệu tấn, năm 2014: 6,5 triệu tấn), bằng nhu cầu than cho điện được 1 năm (tính nhu cầu cho năm 2015). Trong khi đó, nhiều vấn đề sẽ phát sinh cần phải giải quyết như: Phải điều chỉnh ngay giá than cho điện (và các hộ lớn khác) theo giá thị trường; Phần than dư thừa hằng năm theo cơ cấu sản phẩm đồng hành không xuất khẩu phải có lượng vốn nhất định để mua tạm trữ, làm tăng chi phí (lãi vay, tồn kho...) và TKV cần có vốn để đầu tư phát triển các mỏ mới.

 

Hiện nay, để tăng sản lượng 1 triệu tấn than thì cần phải đầu tư khoảng 100-150 triệu USD. Để tăng thêm được 22 triệu tấn than đến năm 2015 thì phải cần ít nhất 3 tỷ USD, nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất than khoảng 12.000-15.000 tỷ/năm. TKV đã đề nghị Chính phủ cho phép hằng năm xuất khẩu một lượng than tốt nhất định (3-4 triệu tấn, gồm than cám tốt hiện nay còn dư khoảng 1 triệu tấn, than cục và than cám trung bình) sang thị trường truyền thống là Nhật Bản để có vốn đầu tư phát triển các mỏ than. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công thương xem xét./.