Mỏ Bễn chuyển mình

08:08, 16/08/2010

Cách trung tâm xã khoảng 10km nhưng với địa hình hiểm trở, đường đất, đá lởm chởm, khiến con đường đến xóm Mỏ Bễn, xã Tràng Xá (Võ Nhai) như xa hơn... Bao quanh xóm là những nương ngô gối nhau liên tiếp đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quang Thanh, Trưởng xóm, Chi hội trưởng  chi Hội Nông dân cho biết: Năm 2006, khi tôi bắt đầu làm Trưởng xóm, xóm có 62 hộ thì có đến 38 hộ nghèo, đất dành cho trồng lúa chỉ có hơn 2 ha còn lại chủ yếu là đất đồi, rừng. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 4 triệu đồng/người/năm. Đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nông sản làm ra khó bán mà luôn bị ép giá. Đời sống nhân dân vất vả... Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, xóm như được “lột xác” với một diện mạo mới. Số hộ trong xóm đã tăng lên con số 81 nhưng số hộ nghèo lại giảm xuống còn 17, trên 50% số hộ làm kinh tế khá, giỏi. Bộ mặt của xóm đã có nhiều thay đổi tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần.

 

Anh Thanh nói: Đối với xóm Mỏ Bễn vùng cao chúng tôi, sự đoàn kết và nỗ lực của tập thể là điều đã làm nên sự thay đổi. Các gia đình cùng hướng về một mục tiêu chung là giúp đỡ nhau đưa cuộc sống đi lên. Đứng trước những vấn đề khó khăn, chúng tôi đã họp nhau lại, bàn cách tìm ra lối đi mới cho xóm trong phát triển kinh tế cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hàng năm, xóm mời cán bộ khuyến nông cơ sở đến tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức vay vốn cho hộ nghèo từ nguồn quỹ của Hội Nông dân, Ngân hàng Chính sách - Xã hội; khuyến khích các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển dịch vụ; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tùy theo điều kiện của từng gia đình... Được biết, trước đây, cây mía là cây thế mạnh của vùng đất này. Nhưng vì đầu ra không ổn định, tốn nhiều sức lao động, thu nhập bấp bênh. Thấy đất đồi rất phù hợp với cây ngô nên cả xóm đã chuyển từ cây mía sang loại cây lương thực này. Cây ngô mỗi năm  trồng được 2 vụ, mỗi vụ thu hoach bình quân đạt khoảng 5,4 tấn/ha cho thu nhập 23 triệu đồng. Trong xóm lại có đầy đủ các dịch vụ từ giống, phân bón, đầu ra của sản phẩm cũng được thu mua tại chỗ. Chuyển dịch ngành nghề sang dịch vụ, vận tải, tiểu, thủ công nghiệp cũng là một hướng đi mới của Mỏ Bễn. Xóm đã có 7 chiếc ô tô tải; 2 xưởng cơ khí; 5 xưởng chế biến gỗ. Đến nay, toàn xóm đã có trên 50% hộ gia đình làm kinh tế khá, giỏi  có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Dẫn tôi đi tham quan một vòng quanh xóm, chúng tôi nhận thấy nhiều gia đình đã xây dựng nhà kiên cố, khang trang. Đến xưởng cơ khí Văn Hiên, chúng tôi gặp những thợ cơ khí đang mải mê với công việc hàng ngày của mình. Anh Hoàng Ngọc Vân, chủ cơ sở cho biết: Cơ sở chúng tôi chuyên làm ra công cụ phục vụ cho việc sản xuất nông ghiệp của nông dân như: lưỡi cày, bừa, lồng cắt lúa, may ơ máy cày... Không chỉ cung cấp nhu cầu của bà con trong xóm, trong tỉnh mà các tỉnh bạn cũng đến đặt hàng với chúng tôi (như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang). Một điển hình làm kinh tế giỏi nữa mà chúng tôi đã ghé thăm đó là gia đình chị Đinh Thị Lan đầu tư chăn nuôi nhím. Hiện chị có 8 ô chuồng với 20 nhím chủ yếu là nhím sinh sản. Hàng năm riêng tiền bán nhím thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Chị đã cung cấp giống và giúp nhiều gia đình khác trong xóm thực hiện mô hình chăn nuôi đơn giản mà hiệu quả này. Ngoài ra trong xóm còn rất nhiều hộ gia làm kinh tế giỏi như: anh Hoàng Văn Lư (làm dịch vụ buôn bán và thu mua nông sản); ông Hoàng Văn Cường (chăn nuôi và dịch vụ vận tải ô tô)...

 

Trong năm 2007, xóm đã huy động nhân dân quyên góp tiền, sức người, vật liệu làm được 3 nhà Đại đoàn kết. Hiện xóm không còn hộ nào phải ở nhà tạm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Trong năm nay mục tiêu của Mỏ Bễn sẽ xóa nghèo thêm 7 hộ nữa”. Anh Thanh cho biết thêm. Từ năm 2005, xóm Mỏ Bễn luôn được công nhận và cấp bằng Làng Văn hóa cấp tỉnh.