Vào những ngày mùa Thu này, chúng tôi lại có dịp trở lại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Vùng đất nổi tiếng trong và ngoài nước với sản phẩm chè.
Ông Vương Sỹ Tạo, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Chè Tân Cương không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã là cây làm giàu cho nông dân. Xác định được cây thế mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung đầu tư phát triển cây chè; tranh thủ sự trợ giúp của các nhà khoa học đưa các giống mới vào trồng, đồng thời áp dụng các biện pháp chăm bón và chế biến chè tiên tiến, nên năng suất, chất lượng càng tăng lên, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước…”
Qua tìm hiểu được biết, trước đây, người dân Tân Cương vẫn trồng chè theo lối cũ (trồng chè bằng hạt), năng suất chỉ đạt từ 12kg/sào – 15kg/sào, với giá trị từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg, chế biến thủ công, tiêu tốn nhiều thời gian, nên giá trị kinh tế không cao. Nhận thấy chè là cây phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, nên xã đã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi hầu hết diện tích chè hạt sang trồng chè cành, với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, cả xã Tân Cương có hơn 600 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng chè là 350 ha, các giống chè chủ yếu được nông dân đưa vào sản xuất Chè 777, Bát Tiên…
Trong 6 tháng đầu năm 2010 sản lượng chè búp tươi của cả xã đạt 3.310 tấn, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc trồng chè. Không chỉ làm giàu từ trồng chè, nhiều hộ còn thu mua chè tươi, chè khô cho nông dân, như: Gia đình Anh Trần Văn Thắng, chị Đào Thanh Hảo… để bán ra thị trường. Chị Đào Thanh Hảo cho biết: Hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi mua 1-1,5 tấn chè cung cấp ra thị trường các tỉnh: Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh… với giá bán từ 50 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng/kg.
Chè Tân Cương đã khẳng định được vị thế là nguồn nguyên liệu quý cung cấp cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Để tiếp tục phát triển cây trồng này, trong thời gian tới ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm bón và chế biến, xã còn chỉ đạo thành lập HTX chè và làm thương hiệu “Chè Tân Cương” để có tư cách pháp nhân trên thương trường trong và ngoài nước...