Về Hảo Sơn xem nghề đan lát

08:14, 05/08/2010

Quanh năm suốt tháng, trừ những lúc bận bịu mùa màng còn thì cả làng đều tíu tít với nghề đan lát truyền thống. Nói là nghề phụ nhưng lại là thu nhập chính của đại đa số hộ dân trong xóm. Nghề khác còn lo mưa, nắng, chật hẹp, chứ nghề này ngồi đâu cũng có thể ngả ra làm được... Đó là một vài đặc tính cơ bản của làng nghề truyền thống mây tre đan Hảo Sơn, xã Tiên Phong (Phổ Yên).

 

Cụ Tạ Văn Ngăn, 88 tuổi, nghệ nhân cao niên nhất trong làng đã trình diễn cho chúng tôi xem những kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát khi chúng tôi có dịp về thăm làng nghề Hảo Sơn. Mặc dù tuổi cao nhưng sự hoạt bát, điệu nghệ vẫn còn hiện rõ trên đôi tay đã có tới hơn 70 năm theo nghiệp đan thúng của cụ. Cụ Ngăn vừa làm vừa nói chuyện với chúng tôi: “Từ năm 12 tuổi tôi đã biết làm nghề và gắn bó với nghề đến tận bây giờ. Ở tuổi 88, con cháu trong nhà đều không muốn cho tôi làm việc nữa nhưng lạ làm sao cứ nghỉ một ngày là tôi lại thấy bứt rứt, khó chịu trong người. Ngấm nghề lâu rồi, không bỏ được. Còn nhúc nhắc được thì vẫn còn làm anh ạ”. Nhà cụ Ngăn hiện có 6 khẩu thì cả 6 đều làm nghề đan thúng. Từ nhiều năm nay, ngoài một phần đồng áng, thu nhập của gia đình cụ chủ yếu trông vào nghề thủ công này.

 

Chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Tôn, 58 tuổi (một trong hơn 170 hộ dân làm nghề đan lát của làng nghề Hảo Sơn), khi cả gia đình bà đang tập trung đan thúng ở gian nhà ngang mới xây rộng rãi. 6 người thì có 3 người chẻ, vót nan và 3 người đan, cạp thúng. “Mỗi ngày cả nhà bác hoàn thiện được bao nhiêu sản phẩm?” Tôi hỏi. Bà Tôn cười rất tươi bảo: “Được khoảng 10 cái anh ạ. Tiền công mỗi chiếc thu về được 6 nghìn đồng, vị chi cả ngày, cả nhà làm được khoảng 60 nghìn đồng. Vào ngày mùa thu nhập sẽ cao hơn vì giá bán tăng lên”.  “Thế thì thấp quá nhỉ!”. Tôi buột miệng. Nghe vậy bà Tôn nói ngay: “Không thấp đâu. So với làm ruộng thuần túy và chăn nuôi nhỏ còn hơn rất nhiều. Mới lại, ai cũng có thể làm được, ngay cả đứa trẻ lên 10. Công việc lại nhàn nhã, tranh thủ làm mọi lúc mọi chỗ được”. Tôi vẫn hơi phân vân nên hỏi tiếp: “Việc tiêu thụ sản phẩm có khó khăn không bác?” “Đơn giản hơn trước đây nhiều anh ạ. Khách bây giờ toàn tự đến nhà lấy thôi. Làm ra bao nhiều bán hết bấy nhiêu.” Bà Tôn nói trong khi tay vẫn thoăn thoắt đưa dao.

 

Như vậy, có nghĩa là bà con ở Hảo Sơn sống được bằng nghề thủ công truyền thống rồi. Tôi đã đem câu chuyện cùng những phân vân của mình giãi bày với ông Tạ Quang Nắp, Bí thư chi bộ Hảo Sơn thì tìm được câu khẳng định chắc nịch: “Mấy đời nay chúng tôi đều bám nghề để sống mà. Trong 178 hộ dân của làng thì chỉ có 4 hộ không tham gia nghề thôi. Năm 2009 vừa rồi chúng tôi còn được vinh dự đón Bằng công nhận làng nghề truyền thống của UBND tỉnh đấy. Được hỗ trợ để xây dựng cả cổng làng khang trang lắm”. Gia đình Bí thư Tạ Quang Nắp cũng làm nghề đan lát từ mấy đời nay. Giờ đây con cháu của ông cũng chủ yếu theo nghề của ông cha để lại. Là nghề thủ công, nguyên liệu đơn giản, sẵn có (chủ yếu là tre), làm vào lúc nông nhàn, lại tiêu thụ dễ dàng nên người dân Hảo Sơn đã sống được bằng nghề và có thể duy trì và phát triển nghề. Ông Tạ Văn Sơn, Trưởng xóm Hảo Sơn tự hào cho biết: “Gần như xóm chúng tôi là địa bàn duy nhất trong xã không có tệ nạn ma túy, cờ bạc, trộm cắp. Thanh niên trong làng đều có việc làm thêm, không có thời gian rảnh rỗi để chơi bời, lêu lổng. Đời sống kinh tế của bà con được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ nhà xây kiên cố tăng, các phương tiện hiện đại phục vụ cuộc sống cũng nhiều lên...”.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mấy năm trước Hảo Sơn đã triển khai làm hàng mây tre đan xuất khẩu nhưng bất thành vì phía doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm xuất khẩu không ký được hợp đồng với đối tác nước ngoài. Có thể nói, đây là điều dễ hiểu trong thực tế nhưng cũng là vấn đề đáng phải suy nghĩ đối với một làng nghề đan lát truyền thống đang trong quá trình duy trì, tìm kiếm cơ hội để có thể hội nhập và phát triển. Qua đó cho thấy sự hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các ngành chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương chính là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng giúp các làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn.