Chúng tôi đến xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) đúng vào ngày bà con nhân dân nơi đây tổ chức đón nhận Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap đối với sản phẩm nhãn Khe Đù. Thưởng thức những trái nhãn to, căng tròn, ngọt lịm, chúng tôi cảm nhận được cả sự nhọc nhằn của bà con khi cải tạo một vùng rừng núi hoang vu thành một vùng đất cho nhiều quả ngọt.
Từ vùng đất cằn
Từ trung tâm huyện, chạy xe gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được xóm Khe Đù. Khe Đù là xóm vùng sâu, xa nhất của xã Phúc Thuận, xóm nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, giáp với xã Quân Chu, huyện Đại Từ. Đến xóm, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là một vị cao niên của xóm. Ông Nguyễn Đăng Bản, 72 tuổi kể lại câu chuyện cách đây gần bốn chục năm: Tôi nhớ như in ngày 22-10-1974, chúng tôi gồm 18 hộ dân ở Hưng Yên theo tiếng gọi của Đảng đi khai phá vùng kinh tế mới đã dắt díu nhau lên đây. Trước, Khe Đù là vùng rừng núi hoang vu rậm rạp. Để vào được xóm, phải vượt qua 3 quả đồi cao, lội qua 2 con suối rồi lại ngược dốc để lên xóm. Ngày hạ giao, chúng tôi đã bắt tay ngay vào phát quang rừng rậm để trồng sắn và tra lúa mố. Đến ngày thu hoạch, mùa màng thất bát, lương thực mang theo cũng cạn kiệt, chúng tôi rơi vào cảnh đói ăn. Vật lộn với kế sinh nhai, chúng tôi đã thử nhiều loại cây trồng để tìm ra loại cây phù hợp với mảnh đất này.
Hỏng vụ lúa, sắn đầu tiên, chúng tôi chuyển sang trồng cây dong giềng, rồi trồng dong giềng cũng không thành, chúng tôi lại chuyển sang trồng củ mài Hoài Sơn để bán làm thuốc, nhưng đến khi củ mài được thu hoạch thì bán cũng chẳng được bao nhiêu, chúng tôi lại lấy mía về trồng. Mỗi lần đưa loại cây mới về trồng, chúng tôi lại nuôi hy vọng, nhưng hiềm một nỗi, vùng đất này cằn cỗi, lại dốc nên thiếu nước trầm trọng, trồng lúa lúa chết, trồng mía cũng không lên, cả xóm rơi vào cảnh thiếu đói triền miên, tưởng chừng không thể gắn bó được với vùng đất cằn này. Không ít lần chúng tôi có ý định rời xóm, nhưng rồi lại cố bám trụ để nuôi hy vọng. Từ 18 hộ, đến nay Khe Đù đã có 80 hộ dân với 370 nhân khẩu. Chính từ niềm tin với Đảng, chúng tôi có thêm hy vọng sẽ tìm ra cây trồng phù hợp và rồi cái duyên nợ với cây nhãn lồng đã “bén duyên” với miền đất khó.
Trở thành miền quê đầy quả ngọt
Năm 1980, một số bà con ở Hưng Yên lên đây thăm người thân đã mang theo món quà quê là những chùm nhãn lồng ngọt lịm. Sau khi ăn, một số người đã lấy hạt nhãn ươm trong vườn. 1 năm sau, những cây nhãn đã cho trái. Ý tưởng phát triển vùng núi non này trở thành vùng trồng nhãn bắt đầu được hình thành. Từ chỗ xóm chỉ có vài cây nhãn, bà con dân dần nhân ra 10, 20, rồi hàng trăm cây. Là một trong những hộ đầu tiên phát triển cây nhãn, ông Nguyễn Văn Quế cho biết: Hiện nay, cả xóm có tổng diện tích gần 40ha nhãn, hộ ít thì khoảng 150 cây, hộ nhiều là 600 cây.
Cây nhãn bây giờ cũng không còn là giống nhãn trồng từ những năm trước, mà bà con đã lai tạo giống nhãn mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Gia đình tôi có 150 gốc nhãn, năm 2006, tôi về Hưng Yên thấy bà con lai giống nhãn mới bằng cách ghép mắt, tôi liền mua một số mắt nhãn giống mới (bà con gọi là nhãn Miền) về và thuê người ghép trên 2 cây nhãn của gia đình. Sau 1 năm, các mắt ghép đã phát triển và cho quả. So với giống nhãn cũ thì giống nhãn này quả to hơn hẳn, cùi dày, năng suất cao gấp 4-5 lần. Năm 2007, tôi tiếp tục về Hưng Yên học kỹ thuật ghép và chăm sóc cây, sau đó tôi về tự ghép trên toàn bộ 150 cây. Kết quả năm 2009, gia đình tôi thu được 2,5 tấn quả, bán được khoảng 50 triệu đồng, vụ nhãn này gia đình tôi ước tính thu được khoảng 3 tấn, với giá cả năm nay là 30.000 đồng/kg bán tại vườn thì chúng tôi cầm chắc trên 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Viết Quỳnh, Chủ nhiệm HTX Phúc Hưng cho biết: Thấy được ghép nhãn giống mới cho hiệu quả kinh tế cao, bà con đua nhau ghép. Giờ đây, bà con đã đốn ghép được toàn bộ diện tích nhãn của xóm. Nhờ phương phép ghép này, sản lượng nhãn của xóm đã tăng đáng kể, từ chỗ mỗi năm thu khoảng hơn 10 tấn, năm 2009, toàn xóm thu được 45 tấn nhãn. Gia đình tôi có 600 gốc nhãn, năm 2009 tôi mới thực hiện ghép mắt nhưng cũng thu được 1,2 tấn quả, bán được 25 triệu đồng. Đặc điểm của nhãn ghép là từ năm thứ 2 trở đi mới cho sản lượng cao, nếu cứ đà phát triển như hiện nay, từ năm 2011 trở đi sản lượng nhãn của gia đình tôi sẽ tăng gấp 4-5 lần năm ngoái. Năm nay, do nhiều gia đình mới thực hiện ghép mắt nhãn nên nhiều diện tích chưa cho quả, vụ nhãn này toàn xóm thu được khoảng 35 tấn quả.
Nhãn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân Khe Đù, từ chỗ 100% hộ dân ở đây thuộc diện đói, nghèo, nhờ phát triển cây nhãn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo có cuộc sống ổn định, năm 2000, xóm còn 30 hộ nghèo, đến năm 2008, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 17 hộ, năm 2009 còn 10 hộ, phấn đấu đến cuối năm nay toàn xóm sẽ không còn hộ nghèo. Không những là cây xóa đói, giảm nghèo, giờ đây nhãn đang là cây làm giàu của nhiều hộ dân. Nhất là từ năm 2010, khi bà con trồng nhãn ở đây đã thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) cho nhãn quả. Để cho ra quả nhãn đạt tiêu chuẩn, bà con đã thực hiện việc chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, có sổ theo dõi ghi chép tỉ mỉ và đầu tư chăm bón bằng loại phân bón cao cấp…