Nhiều năm nay, đậu tương được xem là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Thái Nguyên. Nhưng một nghịch lý là diện tích cây đậu tương trên địa bàn tỉnh đang giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2000, diện tích cây đậu tương là 3.368 ha thì năm 2009 giảm xuống chỉ còn gần 1.900 ha.
5 năm nay, vụ xuân nào gia đình ông Trần Văn Cung, xóm Đình, xã Bình Thuận (Đại Từ) cũng trồng 1 sào đậu tương. Đây là diện tích đất không chủ động được nước để cấy lúa. Ông cho biết: Trồng đậu tương đầu tư ít nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao. Vụ xuân vừa rồi, tôi thu 60 kg đậu tượng. Cả vụ, tôi chỉ mất khoảng 5kg phân lân bón cho diện tích đậu tương này. Với giá bán 14 nghìn đồng/kg, tôi thu 840 nghìn đồng. Trừ chi phí khoảng 100 nghìn đồng cho phân bón, giống... tôi vẫn có lãi 740 nghìn đồng. Còn theo ông Vũ Duy Tựu, một người dân chuyên sản xuất đậu tương ở xã Đồng Tiến (Phổ Yên) thì ở những chân rộng cao, không chủ động được nước tưới, trồng cây đậu tương cho thu nhập cao nhất. Nếu trồng lạc, sắn hay khoai lang, cùng một diện tích nhưng thu nhập chỉ bằng một nửa so với trồng đậu tương.
Đúng như khẳng định của ông Cung, ông Tựu, cây đậu tương có rất nhiều ưu điểm: thích ứng trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất thịt trung bình; có thể trồng ở cả 3 mùa vụ xuân, hạ, thu - đông; có tác dụng cải tạo đất (trồng 1 ha đỗ tương làm lợi cho đất tương đương với 3-5 tấn phân hữu cơ), góp phần tạo nên sự phát triển bền vững trong hệ thống cây trồng nông nghiệp; tiêu thụ dễ dàng do nhiều năm nay, sản lượng đỗ tương trong tỉnh chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu của người tiêu dùng... Hơn nữa, 3 năm nay, nhiều giống đậu tương mới đã được chọn tạo, có khả năng thích ứng rộng, chịu nóng, chịu hạn khá, đáp ứng được các hình thức canh tác đa dạng của các vùng miền... công thức luân canh là: đậu tương xuân - lúa mùa sớm - cây vụ đông (trên đất lúa 1 vụ); lúa xuân - lúa mùa sớm - đậu tương đông (trên đất lúa 2 vụ); ngô xuân - đậu tương hè thu (trên đất bãi).
Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác nhưng diện tích cây đậu tương trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm mạnh. Đặc biệt, với những huyện có diện tích cây đậu tương lớn như Phổ Yên, Võ Nhai, diện tích trồng cây đậu tương cũng giảm rõ rệt. Năm 2006, diện tích đậu tương của Phổ Yên là 689 ha, Võ Nhai là 582 ha thì đến năm 2009, Phổ Yên chỉ còn 371 ha, Võ Nhai còn 476 ha...
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích đậu tương giảm có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do các tiến bộ kỹ thuật chưa được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đậu tương dẫn đến năng suất đạt thấp hơn các loại cây trồng khác như ngô, thuốc lá, rau màu... Thêm vào đó, nhược điểm của cây đậu tương là rất dễ bị nhiễm sâu bệnh. Bởi vậy, sản xuất đậu tương ở hầu hết các vụ đòi hỏi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở mức tương đối cao, thậm chí phải phun thuốc định kỳ nên nhiều hộ nông dân rất ngại trồng đậu tương.
Ông Trần Văn Cung cho hay: Nếu không phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, người nông dân có thể sẽ mất trắng vụ đậu tương. Bởi thế, khi trồng loại cây này, phải luôn quan tâm, theo dõi quá trình phát triển của cây trồng cũng như hiện tượng sâu bệnh hại.
Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, đất đai, khí hậu cho việc phát triển cây đậu tương hàng hóa lớn. Sản xuất đậu tương đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất đậu tương trên địa bàn tỉnh còn manh mún, diện tích, năng suất, sản lượng giảm nhiều so với những năm trước... Bởi vậy, để đậu tương trở thành cây trồng có giá trị hàng hóa cao, phục vụ nhu cầu tại chỗ cũng như cung cấp cho các vùng trong cả nước đòi hỏi Thái Nguyên phải có những giải pháp phù hợp.
Tỉnh ta xác định đến năm 2015, sẽ phát triển ổn định 5.000 ha cây đậu tương, sản lượng 10 nghìn tấn/năm trở lên. Đồng thời, xác định công thức luân canh hợp lý giữa cây đậu tương và một số cây trồng khác nhằm nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích lên trên 80 triệu đồng/ha/năm. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi Thái Nguyên phải xác định lại quỹ đất có thể phát triển sản xuất cây đậu tương theo hướng tập trung, chuyên canh tạo ra khối lượng hàng hóa lớn tại một số huyện, thành, thị và phù hợp với quy hoạch tổng thể, cân đối với các loại cây trồng khác nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, phải sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cũng như sử dụng các công thức luân canh có hiệu quả kinh tế cao như lúa xuân sớm - lúa mùa sớm - đậu tương đông; ngô xuân - đậu tương hè thu trên đất soi bãi; đậu tương xuân - lúa mùa sớm - đậu tương đông; chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như ứng dụng quy trình làm đất tối thiểu, không cày bừa trên đất ướt để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất đậu tương; sử dụng có hiệu quả các loại phân bón, chú trọng sử dụng thuốc sinh học và các biện pháp phòng trừ bằng sinh học; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho nông dân; làm tốt công tác thông tin thị trường... Đặc biệt, để khuyến khích người dân trồng cây đậu tương, tỉnh ta nên thực hiện các chính sách đầu tư trực tiếp như: hỗ trợ khoảng 6.000 đồng/kg giống mới đã được cộng nhận chính thức có năng suất, chất lượng cao. Trong chương trình xây dựng mô hình khuyến nông cần hỗ trợ 100% kinh phí mua giống và 50% kinh phí mua vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...