Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2010 đã tăng nhẹ, cộng với những dự báo về diễn biến giá một số mặt hàng quan trọng đã và đang đặt ra một vấn đề mới đối với cơ quan quản lý: Nhiều khả năng sẽ bắt đầu diễn ra một chu kỳ tăng giá mới…
Một trong những vấn đề đáng quan tâm những ngày qua là việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã tác động mạnh đến giá nhiều mặt hàng khác, trong đó có giá vàng, USD và nhiều mặt hàng nhập khẩu. Tuần qua, hàng hoá nhập khẩu đã tự thiết lập mặt bằng giá mới.
Quyết định tăng mạnh tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước được xem là nguyên nhân dẫn tới những thay đổi lớn trên thị trường ngoại tệ, vàng và giá của nhiều mặt hàng nhập trong tuần. Theo quyết định này, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND.
Sự điều chỉnh này lập tức nhận được sự phản ứng từ thị trường: Giá USD sốt, giá vàng cũng biến động tăng và khó lường. Đợt "sốt" giá USD của tuần qua khiến hàng nhập khẩu nhanh chóng leo lên một thang giá mới. Sau USD và vàng, gas là mặt hàng có sự điều chỉnh tăng giá đầu tiên. Hầu hết các hãng đã nâng giá lên thêm 4.000 - 5.000 đồng một bình 12 kg.
Trong khi đó, ăn theo tỷ giá, giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu tự động được điều chỉnh tăng. Cùng gas, giá thép cũng nhích thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tấn. Ông Phạm Chí Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt
Có thể nói, trên 80% mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam là nguyên, vật liệu sản xuất, nghĩa là những mặt hàng không thể không nhập khẩu trong điều kiện Việt Nam chưa thể chủ động được nguyên liệu đầu vào. Trong khi giá hàng hoá nhập khẩu tăng, giá của nhiều mặt hàng khác có thể sẽ tăng theo trong thời gian tới do độ trễ của chu kỳ sản xuất.
Ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện khoa học Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính nhận định: “Mục tiêu chống lạm phát từ giờ đến cuối năm là quan trọng hàng đầu, chúng ta không thể lơ là. Sau khi thấy chỉ số giá vài tháng vừa rồi tăng thấp (dưới 0,3%), dường như có một số dấu hiệu chủ quan là lạm phát 2010 không thành vấn đề nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta mất cảnh giác, lập tức đây sẽ là vấn đề của năm 2010. Trong việc giá cả biến động, tỷ giá chỉ là một yếu tố, bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác. Nếu quan điểm đặt mục tiêu kiểm soát giá cả thông qua đó kiểm soát lạm phát, thì phải đặt trong tổng thể chung, nghĩa là can thiệp mang tính chất thị trường chứ không phải hành chính”.
Trong khi đó, nếu quan sát thị trường trong 3 tháng gần đây, dễ dàng nhận thấy, chỉ số giá đang có xu hướng tăng và xu hướng này có thể sẽ còn tiếp tục trong những tháng cuối năm vì nhiều lý do. Theo chuyên gia phân tích thị trường nông nghiệp và nông thôn Phạm Quang Diệu: Giá lúa gạo trong thời gian tới sẽ chịu tác động của những diễn biến tăng giá lương thực ở khu vực phía Nam vài tuần trước. Do chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính chỉ số giá, nên việc tăng giá của nhóm hàng lương thực, trong đó có lúa gạo sẽ tác động tới xu hướng tăng chung của chỉ số giá thời gian tới.
Chuyên gia Phạm Quang Diệu cho rằng: Giá gạo trong thời gian vừa qua trong nội địa tăng mạnh dẫn đến giá gạo xuất khẩu tăng lên khá cao (đến thời điểm này tăng 50 USD/tấn). Thông thường, giá gạo có xu hướng tăng vào cuối năm, nhưng năm nay khó có đợt “sốt”. Nếu có những diễn biến bất thường của thời tiết, dẫn đến giá gạo “sốt” vào cuối năm thì Việt Nam sẽ nằm ở tình trạng khá rủi ro, chứ không phải được lợi hoàn toàn, bởi hiện chúng ta đã xuất quá nhiều (theo thông tin, hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam đã ký là trên 6 triệu tấn). Do vậy, nếu cuối năm, giá gạo quốc tế đẩy lên cao bởi sự bất thường nào đó thì chúng ta sẽ không còn nhiều gạo để xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc giá gạo nội địa sẽ bị đẩy lên và ảnh hưởng đến lạm phát”.
Sức ép tăng giá còn được dự báo do tác động của việc tăng giá xăng vào thời điểm đầu tháng 8 này. Hơn nữa, theo qui luật thông thường, những tháng cuối năm, CPI bao giờ cũng có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng cao vào những dịp Lễ, Tết. Bên cạnh yếu tố chủ quan, giới phân tích thị trường đưa ra một yếu tố khách quan không kém quan trọng là việc, Trung Quốc cho phép đồng nội tệ lên giá trên thị trường tự do. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đến giá nhiều loại hàng hóa, vật liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu từ nước này. Hơn thế, không thể coi nhẹ và lơi lỏng công tác
điều hành thị trường trước diễn biến phức tạp, đầy bất trắc của dịch bệnh, thời tiết, nhất là mùa mưa bão, lũ lụt đang tích tụ vào những tháng cuối năm. Nếu những điều này xảy ra, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung một số hàng hóa trong nhóm hàng thiết yếu.
Với mức tăng 0,23% của tháng 8, lạm phát theo cách tính của Việt Nam đang dừng ở con số 5,06 %, khả năng kiềm chế lạm phát cả năm ở mức dưới 8% không phải là không khả thi. Tuy vẫn còn nhiều dư địa điều hành, song vẫn rất cần phải cảnh giác trước xu hướng tăng dần của CPI những tháng cuối năm. Đã có những ý kiến cho rằng, nhất cử nhất động của thị trường phải được cơ quan quản lý theo dõi sát sao, thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không lơi lỏng để lạm phát cao trở lại./.