Chuyển dịch cơ cấu kinh tế để giải quyết việc làm tại chỗ

09:47, 23/09/2010

Có lợi thế về lao động, tài nguyên đất nhưng do hạn chế về giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng khác nên có thời điểm xã Văn Hán được coi là “miền đất khó” của huyện Đồng Hỷ.

 

Kinh tế khó khăn nên đời sống vật chất của người dân còn thiếu thốn và nhiều người phải đi tìm việc làm ở nơi khác. Trước thực trạng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Văn Hán khóa X, nhiệm kỳ 2005-2010 đã bàn thảo nhiều về vấn đề tận dụng tiềm năng sẵn có để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho người dân…

 

Địa bàn xã Văn Hán bị chia cắt bởi đồi núi, khe suối và dân cư sống phân tán nên việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Thủy lợi còn hạn chế nên việc thâm canh để có những cánh đồng đạt 50 triệu/ha như ở các xã khác trong huyện như: Linh Sơn, Huống Thượng là điều chưa thể thực hiện được. Xác định đồng ruộng chưa thể tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế nên lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Văn Hán đã quyết định chuyển hướng sang tận dụng lợi thế đất vườn rừng để phát triển cây chè, cây ăn quả và các loại cây lấy gỗ.

 

Đối với cây chè, xã Văn Hán đã tín chấp cho nhân dân vay vốn mua cây giống, phân bón, quy hoạch các vùng đất có độ dốc thấp để mở rộng diện tích và phối hợp với cán bộ khuyến nông của huyện đưa các giống chè giống mới vào trồng đại trà tại địa phương. Do vậy, trong 5 năm qua, người dân trong xã đã trồng mới được 52ha giống mới các loại, đạt 173% kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ xã đề ra. Diện tích chè hiện có tại địa phương cũng được cải tạo, chăm bón nên năng suất chè của xã Văn Hán từ 80 tạ/ha (năm 2005) đã được nâng lên 110 tạ/ha (năm 2010), sản lượng chè hiện đạt gần 3.500 tấn nên cây chè đã trở thành cây mũi nhọn, đem lại nguồn thu lớn và thường xuyên cho nhiều hộ gia đình ở Văn Hán. Trên diện tích đất đồi có độ dốc thấp, ngoài phát triển cây chè, các hộ dân ở Văn Hán còn đầu tư trồng các loại cây ăn quả như: nhãn, hồng không hạt… với tổng diện tích gần 300ha. Chè, cây ăn quà đều cho sản lượng cao,  sản phẩm tiêu thụ thuận lợi nên giá trị kinh tế đất vườn đồi ở Văn Hán đã đạt 40 triệu đồng/ha (vượt 15 triệu đồng so với Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra từ năm 2005). Đặc biệt là đối với diện tích đất rừng rộng hàng nghìn héc-ta bị bỏ hoang hoặc rừng tái sinh có giá trị kinh tế thấp đã được cấp ủy, chính quyền xã Văn Hán tuyên truyền, vận động để nhân dân trồng kín các loại cây lấy gỗ như: keo lá tràm, keo tai tượng, mỡ, lát, lim.

 

Qua 5 năm thực hiển chủ trương trồng rừng của cấp ủy, chính quyền xã, người dân ở Văn Hán đã trồng được 437,5ha rừng các loại. Ông Lý Văn Tin ở xóm Hòa Khê I cho biết: “Thời điểm từ năm 2006 trở lại đây phong trào trồng rừng ở xóm tôi phát triển mạnh nên tất cả các hộ có đất đồi bỏ trống đều trồng rừng hoặc trồng cây ăn quả. Số hộ có từ 2 ha rừng trở lên giờ rất phổ biến…”. Đất rừng ở Văn Hán rất thích hợp với các loại cây lấy gỗ, nhất là cây keo nên nhiều diện tích rừng mới trồng được 4 năm tuổi nhưng đường kính của cây trung bình đã đạt từ 12cm tới 25cm. Theo tính toán của những hộ trồng rừng ở Văn Hán chi phí trồng 1ha rừng hết khoảng 15 triệu đồng và sau 6 năm chăm bón, bảo vệ có thể thu được từ 75 tới 90 triệu đồng/ha. Ông Khúc Văn Phương ở xóm Vân Hòa thông tin: “Trước đây, làm xong mùa vụ là chúng tôi đi làm thuê nhưng sau khi xã có chủ trương phát triển kinh tế lâm nghiệp, gia đình tôi đăng ký vay vốn để trồng chè, trồng rừng lấy gỗ ở quanh nhà và cộng thêm chăn nuôi gà sạch nên đời sống đã dần ổn định”. Một số hộ ở Văn Hán còn gắn phát triển rừng với việc nuôi ong, chăn thả gà vườn, đại gia súc nên trong khoảng thời gian đợi thu hoạch rừng vẫn có nguồn thu thường xuyên.

 

Đi một vòng quanh xã Văn Hán, chúng tôi thấy nơi nào cũng bát ngát màu xanh của rừng keo, rừng mỡ, những nương chè trải dài theo những thung lũng và trong xã xuất hiện nhiều ngôi nhà mới xây khang trang cao 2, 3 tầng. Đồng chí Vi Ngọc Thi, Bí thư Đảng ủy xã Văn Hán khi trao đổi với chúng tôi về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong phát triển kinh tế ở địa phương đã cho biết: “Xác định được lợi thế của địa phương là đất vườn rừng nên chúng tôi đã tìm mọi cách để khai thác lợi thế này. Sau 5 năm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vườn rừng, xã Văn Hán đã đạt được những kết quả bước đầu nên trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân trồng thêm 500ha rừng, 35ha chè, 10ha cây ăn quả…”.

 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nên đã tạo được việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho nhân dân trong xã (thu nhập bình quân của người dân Văn Hán hiện đã đạt 8,1 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 50% (năm 2005) xuống còn 29%. Đặc biệt là trên 300 lao động nông nhàn ở trong xã thường xuyên phải đi nơi khác kiếm việc làm giờ đã tập trung phát triển kinh tế gia đình, tạo được việc làm ngay tại địa phương.