Đại Từ xây dựng các mô hình kinh tế cao

07:34, 16/09/2010

Những năm gần đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT mới và xây dựng các mô hình trong sản xuất nông - lâm nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao như các mô hình: lúa thuần chất lượng cao, trồng và chăm sóc chè nhập nội, trồng dưa hấu, trồng củ đậu, mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại...

 

Để từng bước giảm diện tích lúa Khang dân 18, đưa các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao, chịu thâm canh, có khả năng thích ứng tốt với đồng đất địa phương, huyện Đại Từ đã triển khai xây dựng 2 mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao tại 6 xã: Bình Thuận, Tiên Hội, Mỹ Yên, An Khánh, Bản Ngoại, Minh Tiến với tổng diện tích là 28 ha. Đã có 5 giống lúa thuần chất lượng cao được huyện lựa chọn đưa vào gieo trồng là SH2, HT6, TL6, ĐS1 và Nàng xuân. Chị Đàm Thị Huân, xóm Soi Chè, xã Tiên Hội cho biết: Gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao từ vụ xuân năm nay với diện tích khoảng 3 sào. Kết quả cho thấy, với thời gian sinh trưởng trung bình từ 120- 125 ngày, các giống lúa này cho năng suất cao hơn so với giống lúa Khang dân 18 khoảng 1,3 lần. Đặc biệt là giá bán gạo của các giống lúa này trên thị trường cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần so với giá gạo Khang dân nên nhiều người dân đã lựa chọn gieo trồng những giống lúa này trong vụ mùa năm nay.

 

Không chỉ có ưu điểm về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, các giống lúa thuần này còn phù hợp với cơ cấu mùa vụ của huyện là các giống gieo cấy được cả trong vụ xuân và vụ mùa. Với nhiều ưu điểm như vậy nên trong vụ xuân năm 2010, toàn huyện đã triển khai nhân rộng mô hình trên lên 294 ha và tiếp tục có khả năng mở rộng diện tích trong những năm tới.

 

Với người dân xã Bản Ngoại, nơi có chất đất pha cát và đất thịt nhẹ tơi xốp thì việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp với đặc điểm trên và mang lại hiệu quả kinh tế cao thật khó. Năm 2005, một số người dân xóm Khâu Giáo đưa cây củ đậu vào trồng với quy mô khoảng 1-2 ha. Anh Nguyễn Hữu Đông, cán bộ khuyến nông của xã cho biết: Sau khi đưa cây củ đậu vào trồng, chăm sóc, đến thời điểm cho thu hoạch, cây củ đậu cho năng suất trung bình đạt 50-55 tấn/ha, với giá bán lẻ từ 1.200 đồng đến 1.500 đồng/kg thì nông dân thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/vụ. Thấy hiệu quả kinh tế cao, một số xóm lân cận cũng đưa cây củ đậu vào trồng, hiện nay nông dân đã đưa vào trồng trên địa bàn xã khoảng 20 ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa.

 

Xuất phát từ hiệu quả thực tế của việc trồng củ đậu, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân triển khai mở rộng mô hình, đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, tổ chức cho nông dân thăm quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, tổ chức theo dõi, chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh cho nông dân, giúp cho người nông dân an tâm sản xuất. Do vậy diện tích trồng củ đậu trên địa bàn huyện ngày càng tăng, nếu như năm 2006 là 34 ha thì đến năm 2009 là 106 ha và vụ xuân năm 2010 toàn huyện đã trồng 117 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Bản Ngoại, Tiên Hội, Hùng Sơn, Hoàng Nông, Khôi Kỳ.

 

Không chỉ định hướng giúp nông dân lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, huyện Đại Từ còn quan tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT mới cho nông dân, giúp nông dân làm chủ khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, huyện tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để triển khai thực hiện các mô hình, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình qua 3 năm tính đến 30-6-2010 trên địa bàn huyện là 4,1 tỷ đồng, trong đó Trung ương và tỉnh hỗ trợ là 1,6 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ là 358 triệu đồng, còn lại là nhân dân đối ứng 2.127 triệu đồng...