Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Bẩm T.P Thái Nguyên đã bị thu hẹp do đang triển khai nhiều dự án lớn, vì vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là cần thiết đối với nông dân ở đây. Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt kết quả cao, Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định: chuyển dịch phải gắn sản xuất với thị trường, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị.
Trước năm 2008, Đồng Bẩm là một xã thuộc huyện Đồng Hỷ, sau đó được sáp nhập vào T.P Thái Nguyên. Xã có tổng diện tích tự nhiên gần 402ha với 1.572 hộ dân với 5.670 nhân khẩu. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Nhưng những năm gần đây, thành phố đã triển khai nhiều dự án trên địa bàn xã Đồng Bẩm, nên diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp hơn 50ha, đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn. Để giúp người dân tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, từng bước đẩy lùi khó khăn, cải thiện đời sống, xã đã đề ra nhiều giải pháp, một trong những giải pháp quan trọng là tích cực chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.
Do đồng đất thường hay bị ngập lụt trong mùa mưa bão, nên phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ cấy được hai vụ lúa, còn rất khó khăn trong việc gieo trồng cây rau màu vụ 3. Trong 176 ha đất canh tác, thì có tới hơn 15 ha thường xuyên bị ngập lụt, nên năng suất lúa ở Đồng Bẩm đạt thấp. Bình quân vụ mùa chỉ đạt 40 đến 41 tạ/ha, còn vụ xuân năng suất đạt 47 đến 48 tạ/ha. Trước thực trạng trên, xã đã chỉ đạo nông dân tích cực đưa các giống lúa lai cho năng suất, chất lượng cao, chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt vào gieo trồng, nên năng suất đã đạt trên 50 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt 6 tháng đầu năm 2010 đã đạt 463 tấn, bằng 114,09% kế hoạch đề ra. Xã đã phối hợp với các đơn vị, các tổ chức đoàn thể tổ chức được 4 hội nghị tập huấn chuyển giao KHKT cho nhân dân, thu hút 240 lượt người tham gia; xây dựng mô hình thí điểm 2 ha giống cà chua mới tại xóm Nhị Hòa.
Phát huy lợi thế của địa phương có chất đất phù hợp gieo trồng các loại rau màu, lại ở gần nguồn nước (sông Cầu) xã đã định hướng cho nông dân phát triển các cánh đồng chồng rau đặc sản cho hiệu quả kinh tế. Nếu như trước đây người dân nơi này chỉ biết trồng những loại rau, củ, quả đơn thuần, giá trị kinh tế thấp thì nay họ đã biết gieo trồng những loại rau đặc sản, trái vụ cho năng suất, chất lượng cao như: bắp cải tím, cải làn, su su, mướp đắng, cà chua Mỹ, Ấn Độ… Năm 2009, năng suất rau các loại đạt 200 tạ/ha, sản lượng đạt 1.900 tấn/ha. Giá trị bình quân trên 1 ha canh tác năm 2009 đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 60 triệu đồng so với năm 2005; tăng gấp 5,6 lần so với 1ha lúa. Hiện, xã có 95ha trồng rau xanh, củ, quả các loại, tập trung nhiều nhất là ở xóm Đồng Bẩm và xóm Đông (20 ha).
Để phục vụ cho chăn nuôi phát triển, tăng thêm thu nhập cho người dân, xã đã đưa các giống ngô lai vào gieo trồng. Hiện toàn xã có 36ha ngô, các giống được đưa vào trồng là Bioxit, LK888…, năng suất đạt trên 42 tạ/ha, sản lượng đạt trên 112 tấn. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đồng Bẩm vẫn chưa thật sự phát triển. Các hộ chăn nuôi ở đây chủ yếu vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, tận dụng phân chuồng để chăm bón cho lúa và hoa màu. Hiện, cả xã chỉ có 2 hộ có quy mô chăn nuôi từ 30 đến 40 con lợn/ lứa, doanh thu hàng năm đạt khoảng 400 triệu/năm, đó là gia đình ông Nguyễn Đình Thành, xóm Nhị Hòa và gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, xóm Đồng Bẩm.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đồng Bẩm lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đưa ra chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 13%; cơ cấu kinh tế đến năm 2015 là: dịch vụ, thương mại – nông nghiệp – tiểu thủ công ngiệp; thu ngân sách tăng 15% trở lên; phấn đấu giảm hộ nghèo xuống dưới 1%... để đạt được những mục tiêu đã đề ra, xã Đồng Bẩm tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, trong đó vẫn chú trọng giải pháp: khai thác hết tiềm năng lao động, diện tích đất đai còn lại, tăng cường chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất…
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã đã bị thu hẹp do đang triển khai 3 dự án (Đại học Việt Bắc, Bệnh viện Phúc Thắng, Công ty Cổ phần Ô tô). Tới đây, diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục bị giảm do có 2 dự án nữa vào đầu tư (Trung tâm Thương mại Phú Thái và Khu phố Châu âu với diện tích 35 ha). Nông dân mất đất đồng nghĩa với mất tư liệu sản xuất. Trong khi đó, các dự án vào chỉ có thể giải quyết được trên 200 lao động, còn 700 đến 800 lao động sẽ nhàn rỗi nếu không chủ động tìm kiếm được việc làm mới. Vì vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là cần thiết đối với nông dân ở Đồng Bẩm. Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn, Đảng bộ, chính quyền xã Đồng Bẩm đã xác định: chuyển dịch phải gắn sản xuất với thị trường, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị. Coi trọng an ninh lương thực, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm tích cực hơn nữa của các cấp, ngành chức năng trong việc hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho những người nông dân bị ảnh hưởng bởi các dự án.