Hợp tác xã chè Tân Hương khẳng định thương hiệu

07:54, 27/09/2010

Hợp tác xã Chè Tân Hương được thành lập từ năm 2000 theo nhóm sở thích của những người trồng chè do một tổ chức của Canađa giúp đỡ. Đến nay HTX đã xây dựng được nhà xưởng, thiết bị làm nơi làm việc và chế biến chè với tổng trị giá tài sản lên 30 triệu đồng.

 

Theo chị Nguyễn Thị Nhài, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX): lúc đó xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên có ý định thành lập 2 HTX theo nhóm sở thích của những người trồng chè, song chỉ có HTX chè Tân Hương là thành công. Ban đầu chỉ có 3 sáng lập viên (một chủ nhiệm HTX, một phó chủ nhiệm và một ông trưởng thôn tham gia). Sau đó, Ban sáng lập viên vận động các hộ xung quanh (là những hộ trồng chè) vào HTX. Những xã viên vào HTX sẽ được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chuẩn và được HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm. Thấy được lợi ích khi tham gia nhóm sở thích, nhiều hộ dân trong xóm Cây Thị và các xóm lân cận đã tham gia.

 

Năm 2001, Ban sáng lập đã tổ chức đại hội thành lập HTX. Thời gian đầu chỉ có 36 xã viên tham gia với vốn đóng góp là 150 nghìn đồng/người. Như nhiều HTX khác, trong quá trình hoạt động, cũng có lúc thăng, lúc trầm do một số xã viên chưa thực sự chung tay xây dựng HTX. Vì thế những năm đầu, hoạt động kinh doanh của HTX phát triển khá mạnh: vừa kinh doanh chè, vừa cung cấp vật tư nông nghiệp phục vụ cho chăm sóc chè thuận lợi. Số xã viên vào HTX tăng lên 72 người. Nhưng việc cung ứng vật tư nông nghiệp bị mai một do có nhiều tổ chức tham gia cung ứng; vốn kinh doanh của HTX hạn chế. Bên cạnh đó, do đòi hỏi kỹ thuật trồng, chế biến chè khắt khe nên một số xã viên đã xin ra HTX, chỉ còn 45 người.

 

Những năm gần đây, HTX củng cố lại hoạt động và  chỉ chuyên tâm vào kinh doanh chè. Trong đó tập trung vào khâu hoàn thiện mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm chè và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Vì trước đây, bao bì đóng sản phẩm chè thô không có tem nhãn công bố địa chỉ sản xuất, chất lượng hay trọng lượng chè, nay sẽ in trên bao bì bằng thiếc có các thông tin trên để khách hàng nhận biết được chè Tân Hương và quảng cáo sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến cáo xã viên chuyển đổi các thiết bị sản xuất chè như: thay các loại máy vò, sao chè bằng tôn, nay bằng thiết bị Inox; làm các giá đỡ để bảo quản chè vừa thu hái về, tránh không đổ xuống đất để chè vừa ráo nước, vừa bảo đảm vệ sinh. Cùng là người dân trồng chè, nhưng người thì bảo chất đất là yếu tố quyết định đến chất lượng chè ngon hay không; người lại cho rằng yếu tố bức xạ, người lại cho rằng yếu tố giống cây… Còn chị Nguyễn Thị Nhài lại cho rằng: “Chè ngon là phải tổng hợp của nhiều yếu tố: từ khâu chọn giống, chọn đất đến khâu kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản chè. Trong đó việc sử dụng phân bón, cách chăm sóc là quan trọng nhất, quyết định đến 50% chất lượng chè”. Chính vì vậy hiện nay, HTX đang hợp đồng với HTX Nấm Chùa Hang (Đồng Hỷ)  mua phân bón hữu cơ được chế từ những bịch trồng nấm đã quá thời gian sử dụng kết hợp ngâm ủ với phân chuồng qua bể thải để bón cho chè. Giống chè liên tục được chuyển đổi thay dần những giống cũ để đưa vào trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Do vậy, các giống chè ở đây đang được các xã viên trồng nhiều là giống: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, chè lai 1. Hàng năm,  HTX tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên về sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn Viet-Gap…

 

Trong khâu tiêu thụ, HTX cũng lựa chọn rất khắt khe chè thương phẩm nhằm giữ uy tín với khách hàng, nhất là để khẳng định thương hiệu của mình.  HTX cũng chỉ thu mua được 6 đến 7 tạ chè đặc sản (bình quân mỗi năm thu của các xã viên mua và bán ra khoảng 10 tấn) để bán cho các khách hàng có nhu cầu cao và xuất khẩu sang thị trường Hà Lan (2 tấn/năm), hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng. Vì vậy, từ giá mua vào cũng rất cao (từ 160 đến 300 nghìn đồng/kg và bán ra lấy lãi chút ít); mua đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trong khi đó, với chè bình thường chỉ có giá từ 50 nghìn đồng đến trên 100 nghìn đồng/kg. Chè Tân Hương đã và đang khẳng định thương hiệu của mình và ngày càng có nhiều khách hàng khó tính biết đến. Cây chè đã thực sự là cây “xóa đói giảm nghèo” đối với các hộ xã viên. Bình quân mỗi hộ xã viên, mỗi tháng sản xuất từ 70 đến 80 kg chè búp khô (hiện nay, diện tích chè của toàn  xã Phúc Xuân có 335 ha, trong đó có 226 ha chè kinh doanh).

 

Đời sống của xã viên ngày càng được cải thiện. 80% xã viên HTX có thu nhập khá từ cây chè; không có hộ nghèo. Doanh thu từ kinh doanh chè của HTX mỗi năm đạt từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng; năm 2009, HTX nộp ngân sách được trên 40 triệu đồng; năm 2010 dự kiến nộp từ 40 đến 45 triệu đồng. Do kinh doanh từ chè phát triển nên vốn điều lệ và vốn quỹ của HTX tăng lên. Số tiền lãi thu được từ kinh doanh hàng năm đã bổ sung thêm vốn điều lệ cho xã viên (từ 6 triệu đồng năm 2000, nay tăng lên 85 triệu đồng); tài sản của HTX từ chỗ chỉ có một két đựng tiền, 5 triệu đồng bằng hiện vật là bao bì đựng chè do Dự án MEP tài trợ, nay HTX đã xây dựng được nhà xưởng, thiết bị làm nơi làm việc và chế biến chè với tổng trị giá tài sản lên 30 triệu đồng.

 

Chị Nguyễn Thị Nhài cho biết: Ngoài địa điểm hiện tại ở xóm Cây Thị, HTX cũng vừa tìm được địa điểm thuê làm văn phòng giới thiệu, bán sản phẩm ở khu vực Bến xe phường Đồng Quang. Nhưng băn khoăn lớn nhất của HTX hiện nay chính là HTX không có quỹ đất công ở nơi hợp lý (bám mặt đường nhựa) để xây dựng trụ sở làm việc và làm nơi sản xuất, giới thiệu sản phẩm, bán hàng ngày trên địa bàn xã. Hiện căn nhà đang làm trụ sở của HTX phải đi thuê đất của dân nhưng cũng đến năm 2015 là hết hạn. Nếu không có sự chuẩn bị trước, lúc đó HTX chưa biết đi đâu? Đây là vấn đề rất mong UBND xã và thành phố Thái Nguyên xem xét giúp đỡ để đảm bảo sự hoạt động của HTX về lâu dài ổn định.