Lên Thâm Bây làm trang trại

08:24, 23/09/2010

Sau trận mưa, đường lên Thâm Bây trơn truồi truội. Nhưng rừng ở Thâm Bây trở nên xanh hơn, tiếng chim hót chuyền cành cũng trong trẻo hơn... Chúng tôi đi dưới vòm xanh của tán rừng trồng mới, chủ yếu là cây keo tai tượng được trồng từ 3 đến 5 năm nay. Giữa hăng hắc, nồng nàn mùi lá rừng, chợt có tiếng kêu be be của loài dê cỏ từ một góc núi vọng vang. Đi thêm ít phút nữa thấy có tiếng dê bạng sừng vào nhau như lũ trẻ chơi tập trận, tôi biết trang trại của anh Nguyễn Văn Duệ đã rất gần.

Anh Duệ sinh năm 1963, là người con của xóm Bản Cái, xã Ôn Lương (Phú Lương). Cũng như bao trai làng, vào những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, anh theo bạn vào Nam, ra Bắc, đến các vùng vàng tìm vận may. Những mong đổi đời, nhưng sau gần 10 năm phiêu bạt, anh trở về nhà, xoè đôi bàn tay chai sạn nói với vợ: Tôi không có gì mang về... Vợ anh, chị Nguyễn Thị Quế đã vội lau giọt nước mắt. Chị bảo: Thấy chồng trở về không mất chân, mất tay, mồm miệng đủ cả lại không bị nghiện thuốc phiện thì tôi đã mừng phát khóc rồi.

 

Sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, anh Duệ quyết định không bỏ làng đi tìm vàng nữa. Một sáng, khi thức giấc, anh nói với vợ: Tôi sẽ ở lại nhà, cùng mình làm giàu ngay trên mảnh đất của quê hương... Lúc đó năm 1999, vợ chồng anh dồn vốn liếng xây dựng chuồng trại nuôi lợn. 3 lợn nái mỗi lứa sinh sản được bao nhiêu, vợ chồng anh để nuôi hết. Với 30 đầu lợn nuôi thường xuyên trong chuồng, mỗi năm có 3 lứa xuất bán được hơn 6 tấn. Tiền vốn tích luỹ được, vợ chồng anh mang lên khu rừng Thâm Bây đầu tư xây dựng hồ thả cá, trồng chè và trồng rừng. Anh tâm sự: Đất đai của vợ chồng tôi đang làm phần nhiều do bố mẹ để cho. Tiền, vàng là ở đấy, quan trọng là mình có khai thác được hay không.

 

Ngồi nhâm nhi chén trà trong ngôi nhà sàn lưng tựa vào rừng, cửa hướng ra hồ đầy tăm cá, tôi biết: Để có một cơ ngơi 6 ha rừng, cây có đường kính từ 30 đến 40cm; 5 sào chè; 1 hồ cá rộng gần 1.500 m2 và đàn dê gần trăm con như bây giờ, vợ chồng anh đã phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để phát dọn nương bãi, mua cây giống về trồng, rồi làm cỏ, bón phân. Gần 4 năm trước, gia đình anh đã được khai thác 1 lứa rừng keo. Do đường vận chuyển gỗ khó khăn nên gia đình anh chỉ thu được gần 30 triệu đồng tiền bán cây. Nay rừng đã xanh lại, cây cách cây đều tăm tắp, dưới gốc là đàn dê “hăng hái” tìm cỏ. Khi nói chuyện về chăn nuôi dê, anh Duệ trở nên phấn chấn, kể: Từ hơn 3 năm trước, khi đọc báo, xem ti vi thấy có nói về nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, tôi thấy mình ở rừng, đất đai rộng rãi nên có điều kiện chăn nuôi dê. Tôi sang bên Tân Trào (Tuyên Quang), đến nhà người quen mua được 3 con dê. Mang về chăn, cô con dâu thấy hay liền mua thêm 3 con nữa, vậy là nhà có đàn dê 6 con, với tổng giá tiền mua giống hết gần 3 triệu đồng.

 

Mang dê thả về rừng anh Duệ cũng lo lắm. Vì dê là giống mắn đẻ, nhanh lớn nhưng phải nỗi dê có tật vừa ăn, vừa chạy khắp rừng, không chăm sóc khéo thì dễ mất. Nên chiều tối mỗi ngày, anh bụm tay lên miệng tru tiếng kêu của loài dê gọi bầy, đồng thời lấy cỏ, trộn muối cho dê ăn. Dần thành quen, nửa tháng sau đàn dê thuần chủ, nhớ chuồng và tự về đòi chủ cho ăn cỏ trộn muối. Anh cho biết: Con dê cũng hay mắc các bệnh đầy hơi, đi ngoài và viêm phế quản cấp, vì thế tôi phải tìm mua sách hướng dẫn cách chăn nuôi dê, đọc, hiểu để vận dụng chăm sóc cho chúng. Nhờ đó đàn dê của tôi không bị dịch bệnh, dê  được 7 tháng tuổi là xuất bán, mỗi con nặng từ 15 đến 17 kg, giá bán 65.000 đồng/kg.

 

Nhìn con đường từ trung tâm xóm Bản Cái lên Thâm Bây còn ngổn ngang dốc trơn, nhưng phải mất hơn 2 năm anh Duệ phải vừa tự đào, cuốc hoặc thuê máy ủi về bạt mở đường, tôi không khỏi khâm phục về sự kiên trì của anh. Hơn thế nữa, một hồ lớn trước ngôi nhà sàn nổi đầy lưng cá, hôm trước anh bắt cân thử có con cá mè nặng hơn 5 kg, cá trắm nặng hơn 3kg, gia đình anh dự kiến sẽ xuất bán vào cuối tháng mười năm nay để tiếp tục nạo vét bùn, cải tạo mặt nước chuẩn bị cho vụ nuôi cá sau. Trò chuyện với anh chúng tôi còn được biết: Để xây dựng khu đất trũng trong khe núi này thành hồ nuôi cá, anh đầu tư 15 triệu đồng để thuê máy ủi đất từ 2 bên sườn núi, lấp lại thành đập ngăn nước. Rồi hằng ngày anh tự be đắp thêm, nâng cao thân đập để trữ được nhiều nước chăn thả cá. Hồ nước của anh đã không chỉ chăn thả cá cho gia đình, mà còn góp phần vào việc điều tiết nước phục vụ sản xuất cho cánh đồng của xóm Bản Cái... Khi hỏi chuyện mỗi năm gia đình anh có tổng thu được bao nhiêu tiền từ mô hình trang trại này, anh khiêm tốn: Chắc cũng chỉ được hơn trăm triệu mỗi năm, nhưng với tôi, mọi sự mới là khởi đầu, tiền bán dê, lợn, cá, chè... được bao nhiêu, đều đầu tư trở lại cho trang trại...

 

Mặt trời đã bắt đầu xuống núi, tôi vội chia tay người đàn ông giàu nghị lực, từng một thời ăn bờ, ngủ bãi tìm vận may ở những vùng vàng. Khi trở về quê hương với đôi bàn tay trắng, đã bằng sức lao động của mình, anh cải tạo khu rừng hoang thành một trang trại hằng năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Tôi tự thầm nhủ: Giá như ở vùng đất Bản Cái có nhiều người làm được kinh tế trang trại như vợ chồng anh Nguyễn Văn Duê- Nguyễn Thị Quế thì hạnh phúc biết mấy.