Hội Phụ nữ xã Phượng Tiến (Định Hóa) hiện đã thành lập được 11 tổ, nhóm hợp tác trồng trọt, chăn nuôi như: chăn nuôi gà an toàn, lợn nái sinh sản, trồng rau sạch, nuôi cá… với hàng trăm hội viên tham.
Trong số các tổ, nhóm đang hoạt động, mô hình nuôi gà an toàn sinh học là nhóm được thành lập đầu tiên và đạt được nhiều thành công nhất.
Tháng 4/2009, được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần dịch vụ chăn nuôi và thú y Châu Á, Hội Phụ nữ xã đã triển khai thực hiện Dự án chăn nuôi gà an toàn sinh học với 8 hội viên tham gia. Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhận xét: Đây là mô hình tổ, nhóm tốt nhất với quy trình khép kín từ khâu chọn giống, chăm sóc, tổ chức quản lý, chế biến và kết nối với thị trường. Hiện đã có 37 hội viên phụ nữ xã tham gia nhóm chăn nuôi gà an toàn sinh học mỗi lứa từ 4.000 đến 4.500 con.
Bà Trần Thị Hoa, xóm Hợp Thành cho biết: Trung bình mỗi lứa gia đình tôi nuôi 150 con gà, trong thời gian 3,5 tháng sẽ cho thu lãi 3 triệu đồng. Điều làm tôi tâm đắc là giống gà được chọn lọc kỹ nên tỷ lệ sống rất cao. Chăn nuôi theo phương thức thả vườn phù hợp với tập quán của hầu hết nông dân địa phương, vừa đỡ tốn công chăm sóc lại tận dụng được những phụ phẩm từ nông nghiệp. Chị Lưu Thị Hướng, xóm Nà Pẻn, tổ viên đã thoát nghèo từ kết hợp chăn gà và trồng trọt cho biết thêm: Theo quy định của dự án, các gia đình chăn nuôi gà sẽ phải ghi nhật ký về số lượng thức ăn, thành phần cám chăn, tình trạng phát triển đàn gà… Điều này giúp cho việc theo dõi, kiểm tra cũng như hạch toán chi phí được thuận lợi. Ngoài ra, các tổ viên tham gia tổ chăn nuôi cũng thường xuyên gặp mặt để chia sẻ kinh nghiệm.
Theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, giống gà được dự án chọn là gà lai mía được lấy từ Công ty Phú Thịnh (Hà Nội). Trước khi bắt đầu nuôi, các tổ viên được tập huấn về quy cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch và cách thức tiếp cận thị trường. Gà trong 2 tháng đầu sẽ được chăn bằng cám công nghiệp, sau đó sẽ chăn thả với thức ăn hoàn toàn bằng cám ngô, cám gạo và kết hợp với chuối. Do vậy, chất lượng thịt gà nuôi theo dự án không thua kém gà ri bản địa. Sau khoảng 90 ngày chăn thả, trung bình mỗi con gà có trọng lượng khoảng 2kg, với giá bán trung bình hiện này là 55 nghìn đồng/kg sẽ có lãi khoảng 20 nghìn đồng một con, một năm có thể chăn thả từ 3 đến 4 lứa.
Được sự hỗ trợ của Dự án, tháng 11-2009, bà Nguyễn Thị Tám thành viên của nhóm đã đầu tư xây dựng lò mổ gà theo quy trình giết mổ khép kín với trị giá 230 triệu đồng (trong đó dự án hỗ trợ 155 triệu đồng), có khả năng giết mổ hàng trăm con mỗi ngày. Toàn bộ sản phẩm này được kiểm định chặt chẽ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông qua liên hệ của nhóm và Dự án, sản phẩm gà thịt của nhóm đã được khách sạn, nhà hàng ở Hà Nội đặt mua với giá 80 nghìn đồng/kg, khoảng 70% lượng gà của tổ viên cung cấp cho lò mổ, số còn lại được bán tự do trên thị trường.
Chăn nuôi gà an toàn sinh học đã tạo ra thu nhập khá và giúp hàng chục hội viên phụ nữ ở Phượng Tiến thoát nghèo. Mô hình hợp tác, hỗ trợ giữa các tổ viên về vốn, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và hướng tới sản phẩm gà chất lượng, an toàn mà phụ nữ Phượng Tiến đang áp dụng là hướng đi đúng đắn, cần được triển khai nhân rộng ở các địa phương khác.