Người mà chúng tôi muốn nói tới là tấm gương làm kinh tế của ông Tạ Đăng Tuấn, sinh năm 1960, ở xóm Nà Lưu, xã Tràng Xá (Võ Nhai). Hiện, gia đình ông đang là một trong những hộ chăn nuôi gà thả vườn với quy mô lớn nhất nhì trong xã. Từ việc chăn nuôi gà Lai Mía, mỗi năm, gia đình ông thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng...
Ông Tuấn dẫn chúng tôi đi thăm khu vực chăn thả gà của gia đình. Đó là một khu vườn được quây bằng lưới và rào tre, nứa với diện tích khoảng 4.000m2. gồm 6 chuồng úm gà con và các nhà che mưa nắng cho đàn gà trú ngủ, được trang bị đầy đủ máng ăn, máng nước, hệ thống bóng điện thắp sáng cho gà con vào ban đêm. Hiện, gia đình ông đang nuôi 2 lứa gà Lai Mía, 1 lứa khoảng 200 con gà trên 2kg/con đang chờ xuất chuồng, 1 lứa trên 1.000 gà nhỡ khoảng 5 - 6 lạng/con. Với giá bán gà trên thị trường hiện nay là 50.000 - 55.000 đồng/kg thì trừ chi phí chăn nuôi, gia đình thu lãi khoảng 30.000 đồng/con. Mỗi năm, gia đình ông nuôi được được khoảng trên 4.000 con gà. Gà Lai Mía là giống gà được lai giữa gà ta và gà Lương Phượng. Nó có khả năng chịu rét tốt, dễ nuôi, lớn nhanh, chất lượng thịt ngon không kém gì so với gà ta, chỉ sau 4 tháng là có thể cho xuất chuồng, rất phù hợp với điều kiện chăn thả ở vườn.
Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi được biết, ông đã từng có ước vọng làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn thịt. Đó là vào năm 2000, sau khi đi thăm một số mô hình chăn nuôi lợn thịt ở huyện Phú Bình và tỉnh Bắc Giang, ông đã liên hệ được với thương nhân buôn lợn giống ở Phú Bình đồng ý bán chịu lợn giống cho ông đến khi đàn lợn được xuất chuồng mới phải hoàn trả tiền. Mỗi lứa, gia đình ông nuôi được trên 50 - 60 con lợn, thậm chí có thời điểm số lượng chăn nuôi lợn lên tới 100 con. Lúc đó, mỗi con ông thu lãi từ 150.00 - 200.000 đồng/con. Từ năm 2006 trở về đây, giá cả lợn thịt giảm mạnh. Lợi nhuận thu được từ chăn nuôi lợn thịt thấp do giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Trong khi đó, ông nhận thấy những người bạn của ông ở Phú Bình thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn rất hiệu quả, đem lại thu nhập cao hơn mô hình chăn nuôi lợn thịt. Ông về bàn với vợ quyết định chuyển hướng đầu tư sang chăn nuôi gà thả vườn. Trước khi quyết định chuyển hướng từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gà, ông đã bỏ ra không ít thời gian, công sức đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà của những người bạn ở tận huyện Phú Bình. Ngoài ra, ông còn cất công đi tìm mua các loại sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà để tự nghiên cứu, học hỏi. Sau đó, ông đã mạnh dạn bỏ ra số vốn đầu tư gần 100 triệu đồng để mua 1.000 con gà ta và quy hoạch khu vực chăn thả gà, xây dựng, cải tạo chuồng trại nuôi lợn thành chuồng úm gà con, khu nhà cho đàn gà trú mưa, trú nắng. 6 tháng sau, lứa gà trên của gia đình đã được xuất bán với mỗi con từ 1,8 đến 2,2 kg/con. Sau khi hạch toán, trừ hết chi phí thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tiền điện nước, gia đình ông đã thu lãi được trên 20 triệu đồng. Lứa chăn thả gà đầu tiên được thuận lợi, ông tiếp tục đầu tư nuôi thêm 2.000 con gà ta, với giá mỗi con gà con lúc đó là 7.500 đồng. Thời điểm xuất chuồng lứa gà thứ hai cũng đúng vào thời điểm được giá. Do đó, sau khi trừ hết chi phí, mỗi con gà thu lãi được 30.000 đồng. Đến năm 2009, ông nhận thấy, giống gà ta tuy phù hợp với điều kiện nuôi chăn thả tại vườn nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, thời gian được xuất chuồng kéo dài. Qua một người bạn giới thiệu, ông đã chuyển sang nuôi giống gà Lai Mía như hiện nay.
Để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, mỗi vụ, gia đình ông còn trồng khoảng 2,7 ha ngô (60 kg ngô giống), thu khoảng trên 20 tấn ngô phục vụ cho chăn nuôi. Ông bộc bạch: Nhà neo người làm mà trồng với diện tích lớn như vậy thì rất vất vả. Tôi luôn thường xuyên động viên vợ con phải cố gắng hết sức để xây dựng kinh tế gia đình càng ngày phát triển. Tôi luôn tâm niệm, làm việc gì cũng đều phải có sự cố gắng thì mới thành công. Duy trì được quy mô đàn gà lớn như hiện nay, vợ chồng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết vào chăm sóc ngay từ khi bắt gà con về nuôi. Ngay sau khi mua gà con về, chúng tôi đã phải tiêm vacxin phòng bệnh. 5 ngày sau, gà con phải được nhỏ thuốc phòng bệnh hen nếu không gà con sẽ bị mắc bệnh hen dẫn đến còi cọc, chậm lớn, rất khó nuôi. Sau 1 tháng, gà tiếp tục được tiêm vacxin phòng bệnh dịch toi gà. Ngoài ra, mỗi tháng phải tổ chức phun 2 lần thuốc khử trùng, tiêu độc xung quanh và bên trong chuồng trại. Tuy vậy, trong những năm qua, ông cũng chịu tổn thất nhiều phen trong việc chăn nuôi do xảy ra nhiều loại bệnh dịch. Nhiều khi ông đã thức trắng đêm lo nghĩ về đàn gà bị mắc bệnh với nhiều biểu hiện lạ không giống như trong sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hay được tập huấn. Ông đã gọi đến cả những số điện thoại cho trong những sách hướng dẫn để được tư vấn chữa trị.