Ông Hát nuôi ếch làm giầu

13:58, 10/09/2010

Trong nuôi trồng thuỷ sản ở T.X Sông Công, ông Hát được xếp vào diện người có nhiều kinh nghiệm. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nuôi cá giống, gột cá hương, nuôi cá thịt... Khi ông trưởng thành, ông đi thoát li. Song trong những năm tháng công tác ngoài xã hội, ông luôn mơ ước mình có một hồ nước thật lớn để chăn nuôi thuỷ sản.

 

-Ông Hát, có phải anh muốn tìm đến nhà Hát “ếch” không?

 

-Có phải ông Hát chuyên chăn thả cá không?

 

-Đúng rồi, đó là ông Hát “ếch” làm gia trại, chủ yếu là chăn nuôi thuỷ sản?

 

...Khi chúng tôi hỏi đường vào nhà ông Nguyễn Văn Hát, tổ dân phố Bến Vượng, phường Thắng Lợi, T.X Sông Công, đã có nhiều người dân hỏi lại chúng tôi như thế. Mỗi người một câu, khiến đoạn đường từ trung tâm thị xã về Bến Vượng phải qua mấy lối rẽ loắc ngoắc cũng như ngắn lại. Từ trong nhà bước ra, một lão nông chân chất, vô tư mời chúng tôi vào thăm nhà. Đó là ông Nguyễn Văn Hát, 51 tuổi, một lão nông có kinh nghiệm trong nghề nuôi trồng thuỷ sản của T.X Sông Công từ hàng chục năm nay.

 

Nhìn khuôn viên của gia đình ông Hát gọn, sạch, xanh... khiến ai nấy trầm trồ khen ngợi. Và khi ra thăm ao thì mọi người đều xuýt xoa, vì cả một khu ao rộng rãi được ông Hát đầu tư xây kè gạch, đá chắc chắn, dưới nước có tăm cá nổi lăn tăn, đàn vịt bơi quàng quạc tìm mồi. Trong ao còn có vật nuôi thích nghi với môi trường sống nửa cạn, nửa nước, “chúng” ngồi chồm hổm trên những mảnh xốp, đó là giống ếch Thái Lan ông mới nhận nuôi thử nghiệm với Trạm Khuyến nông thị xã từ cuối tháng 6 năm nay. Ông cho biết: Loại ếch này dễ nuôi, ích mắc bệnh dịch.

 

Rồi ông dùng vợt huơ nhẹ, một chú ếch nằm gọn trong túi lưới. Ông bảo: Ngày nào tôi cũng phải dùng chiếc vợt này để phân loại ếch ra các cỡ khác nhau. Vì ếch có miệng rộng, tham ăn, nếu không kịp phân loại thì con to sẽ nuốt chửng con nhỏ. Đây là nguyên nhân gây sụt giảm tỉ lệ sống trong đàn ếch.

 

Nhìn trên đôi bàn tay ông, một chú ếch nằm yên với đôi mắt tròn ngơ ngác. Kỹ sư chăn nuôi thú y, ông Nguyễn Huy Thanh, Phó trưởng Trạm Khuyến nông thị xã cho biết: Gia đình ông Hát là một trong 5 hộ của thị xã tham gia mô hình chăn nuôi ếch. Mô hình này thực hiện với tổng số 30 lồng, mỗi lồng 240 con, trong đó gia đình ông Hát nuôi 9 lồng; hộ ông Đào Viết Bồng, xóm Trung Tâm (xã Bình Sơn) nuôi 12 lồng; hộ ông Đinh Văn Cầu, tổ dân phố Xuân Thành (phường Cải Đan) nuôi 4 lồng; hộ ông Phạm Huy Mì, tổ dân phố Nguyên Gon (phường Cải Đan) nuôi 3 lồng; hộ ông Liêu Văn Thận, cùng tổ dân phố Nguyên Gon với ông Mì nuôi 2 lồng. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 40% tiền giống, 20% tiền thức ăn trong chu kỳ nuôi 3 tháng. Hầu hết ếch nuôi trong lồng của các hộ đều đạt yêu cầu về tỉ lệ sống (đạt 60% trở lên)... Ông Hát góp lời: Riêng nhà tôi ếch đạt tỉ lệ sống trên 80%, trọng lượng ếch trung bình đạt khoảng gần 200 gam/con, có con đạt gần 300 gam. Vụ ếch này khi thu hoạch, với 9 lồng sẽ có tổng trọng lượng trên 42kg, giá bán tại chợ thị xã 40 nghìn đồng/kg, tôi cầm chắc hơn 1,6 triệu đồng.

 

Trong nuôi trồng thuỷ sản ở T.X Sông Công, ông Hát được xếp vào diện người có nhiều kinh nghiệm. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nuôi cá giống, gột cá hương, nuôi cá thịt... Khi ông trưởng thành, các cụ thân sinh cho ông đi thoát li. Song trong những năm tháng công tác ngoài xã hội, ông luôn mơ ước mình có một hồ nước thật lớn để chăn nuôi thuỷ sản. Chính vì suy nghĩ này mà năm 1993 ông xin nghỉ thôi việc để về nhà thực hiện ước mơ của mình. Khi về, ông được các cụ chia cho hơn 1.500 m2 đất ở, ông dành hẳn 1 nửa đào ao thả cá. Khi thấy tại địa phương có khu hồ Vai Xanh diện tích mặt nước trên 7.000 m2 bỏ hoang, ông ra phường, trình bày suy nghĩ của mình và được chính quyền địa phương ủng hộ, cho ông thuê lại. Do thiếu vốn nên hằng ngày ông tự mình đào đất, san lấp, cải tạo lại đáy hồ để chăn thả cá. Ông cho biết: Có được chiếc hồ lớn, đẹp như thế này, tôi phải mất hơn 10 năm mới thành. Trong thời gian đó, tôi nuôi cá, nuôi vịt đẻ siêu trứng và lấy tiền bán cá, bán trứng để đầu tư quay trở lại cho việc cải tạo hồ nước. Từ 5 năm trở lại đây, công việc chăn nuôi cá của gia đình đi vào ổn định, tôi nuôi chủ yếu là các giống cá chim, chép, trắm, mè, rô phi... Bằng cách nuôi đánh tỉa, thả bù nên ngày nào gia đình tôi cũng có cá mang ra chợ. Cùng với đó, tôi nuôi thường xuyên từ 100 đến 200 con vịt đẻ. Cạnh bờ hồ, tôi đầu tư xây dựng chuồng nuôi từ 15 đến 20 con lợn thịt. Bằng cách làm gia trại như thế, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hơn 60 triệu đồng (đã trừ chi phí) chưa kể 6 sào ruộng cấy 2 vụ lúa, mỗi năm thu hoạch được hơn 2 tấn thóc.

 

Câu chuyện làm ăn của ông Hát cứ cuốn chúng tôi đi ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhưng chúng tôi hiểu để có được mô hình gia trại như bây giờ, ông đã phải đổ vào đó rất nhiều mồ hôi, công sức. Đến nay, ông đã được Hội Nông dân thị xã công nhận là một trong những người thành công trong nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương. Khi chia tay chúng tôi, ông Hát cho biết thêm: Sau vụ thu hoạch ếch vào cuối tháng 9 này, tôi dự định sẽ chăn nuôi ếch ở quy mô lớn hơn, vì nó đang được người tiêu dùng coi là... con đặc sản.