Sau vàng giả, lại sợ bạc non tuổi

08:46, 19/09/2010

Tình trạng vàng kém tuổi so với quảng cáo của doanh nghiệp, vàng SJC bị làm giả… chưa kịp lắng xuống thì người dân lại phải lo ngại với bạc kém chất lượng. Vẫn biết bạc không phải mặt hàng xa xỉ, song làm sao để có thể mua được bạc tốt vẫn là câu hỏi được nhiều người đặt ra…  

 

 

Không đắt đỏ như vàng, nhưng bạc được coi là thứ trang sức khá phổ biến với nhiều người cũng bởi mức giá của bạc khá hợp lý. Bạc được sử dụng chủ yếu để làm đồ trang sức như vòng, nhẫn, khuyên tai và cả những vật dụng trang trí như hộp đựng nữ trang, con vật... Hơn nữa, bạc có chức năng "kỵ gió", phù hợp với các lứa tuổi… Do giá trị của bạc không lớn nên cửa hàng kinh doanh mặt hàng này khá nhiều nhưng chất lượng "không biết đâu mà lần". Ngay cả ở nhiều cửa hàng trên phố Hàng Bạc (Hà Nội), chất lượng cũng khó đánh giá. Người bán vẫn quảng cáo là bạc nguyên chất, nhưng trên thực tế, tuổi bạc chỉ khoảng 50-60%. Nhiều người thắc mắc không hiểu có phải bạc kém tuổi hay không mà chỉ đeo một thời gian đã bị xỉn màu.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty bạc Ngọc Tuấn, bạc có tuổi giống như vàng, nếu là nguyên chất sẽ có tuổi cao nhất là 99.99. Tuy nhiên, do tính chất của bạc là mềm, nên nếu lấy bạc nguyên chất để làm đồ trang sức sẽ khó giữ được độ bền. Vì vậy, thông thường, khi chế tác hàng trang sức, tuổi bạc đạt khoảng 92,5%, thành phần còn lại là những hợp chất khác để tạo nên độ bóng, bền. Song, tính chất của bạc khác hẳn vàng, cộng với độ ẩm, sử dụng hóa chất trong quá trình đeo trang sức nên nhiều người càng đeo lại thấy bạc càng xỉn. Nếu đã mang đi đánh bóng lại mà vẫn không lấy lại được độ sáng, bóng thì bạc đó đã bị pha quá nhiều hợp chất, không còn giữ được tuổi bạc là 92,5.

 

Vấn đề là ở chỗ người dân làm thế nào để có thể kiểm định được chất lượng của các sản phẩm bạc. Nếu với mỗi sản phẩm lại phải mang đến trung tâm kiểm định thì mất thời gian. Hơn nữa, để có thể kiểm định tuổi bạc không có lựa chọn nào khác là phải cho qua lửa, đồ trang sức sẽ không giữ được hình dáng cũ. Thêm vào đó, giá của mỗi lần kiểm định lên đến hàng triệu đồng, thậm chí vượt qua giá trị của chính món đồ trang sức đó.

 

Hiện nay chưa có một cơ quan chức năng nào quản lý về chất lượng sản phẩm này. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thừa nhận, đơn vị đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp thông thường. Sản phẩm không chịu sự đánh giá của bất cứ cơ quan chức năng nào, mà dựa vào chính thương hiệu công ty tạo nên.

 

Người tiêu dùng đang phải mua sản phẩm bạc bằng niềm tin, đó là uy tín của chính đơn vị, hay đơn giản là những gì mà doanh nghiệp quảng cáo. Thông thường, tuổi bạc được in trên tờ giấy bảo hành, song khác hẳn vàng là khi mua nữ trang bằng bạc, khách hàng không thể bán lại cho cửa hàng, nên giấy bảo hành chỉ có tác dụng khi khách hàng muốn làm mới sản phẩm, hay sửa hỏng hóc… Ngay cả những sản phẩm bạc khá đắt đỏ của một số thương hiệu lớn, có những mặt hàng lên tới chục triệu đồng, cũng không thể mang đổi hay bán lại.

 

Trong khi chờ đợi có một cơ quan đánh giá về chất lượng mặt hàng nữ trang, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên mua bạc của những đơn vị có uy tín.