Được cán bộ khuyến nông huyện giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình ông Luân Văn Điểm, ở xóm Cây Hồng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), một trong 30 hộ dân trồng măng Bát Độ đầu tiên của huyện.
Mặc dù đã vào gần cuối vụ nhưng những khóm tre Bát Độ vẫn cho ra nhiều măng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Điểm cho biết: Vượt qua không ít khó khăn, giờ tôi đã có thể yên tâm khi đầu tư công sức vào hơn 40 khóm tre Bát Độ của gia đình trồng.
Trước đó năm 2006, 2007, khi quyết định giữ lại những khóm tre Bát Độ mỗi năm chỉ cho vài 3 triệu đồng thay vì chặt bỏ như các hộ dân tham gia mô hình trồng loại măng tre này do Trạm Khuyên nông huyện triển khai trên diện tích 4,5ha, nhiều hộ dân ở xóm Cây Hồng đã cho rằng ông Điểm là người gàn dở. Nhưng ông lại tin vào quyết định của mình. Ông tâm sự: Năm 2002, cùng với 29 hộ dân khác, gia đình tôi đã nhận trên 40 cành giống về trồng, mỗi cành được hỗ trợ 10.000 đồng. Măng tre Bát Độ là loại cây trồng phù hợp với nhiều loại đất đai và khí hậu, số vốn đầu tư ít, dễ chăm bón. Ngoài việc phát quang bụi rậm, nhổ cỏ dại, chỉ cần bón phân 1 lần/năm, mỗi khóm từ 4 - 5 kg phân NPK, 40 - 50 kg phân chuồng. Sau 3 năm chăm sóc, cây tre bắt đầu ra nhánh thứ cấp, có thể chiết giống hoặc lấy măng.
Vào thời điểm năm 2004 - 2005, nhu cầu về giống trên thị trường tăng cao, những hộ dân thực hiện mô hình như gia đình tôi đã tập trung chiết cành để cung ứng giống cho nhân dân trong vùng. Trong vòng 2 năm, gia đình tôi đã cung ứng khoảng 2.000 cành giống với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/cành, đem lại nguồn thu khá lớn, khoảng trên 20 triệu đồng. Nhưng niềm vui vừa đến đã vụt tắt vào những năm 2006, 2007, khi nhu cầu về giống tre Bát Độ trên thị trường đã bão hoà, ông và những hộ dân tham gia mô hình phải chuyển sang khai thác măng. Thời điểm đó, giá măng lại thấp, từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg măng tươi, tiêu thụ cũng khó khăn vì chưa có nhiều người biết đến loại măng này. Do diện tích đất trồng trọt của hầu hết các hộ dân nơi đây đều ít, lại không thể trồng xen kẽ các loại cây trồng khác vào diện tích đất trồng măng nên khi thấy hiệu quả kinh tế của loại măng này thấp, các hộ dân tham gia mô hình đã nhanh chóng phá bỏ cây tre Bát Độ để chuyển sang trồng chè.
Với suy nghĩ nếu chặt bỏ tre Bát Độ để chuyển sang một loại cây trồng mới cũng phải mất ít nhất 2 năm mới đem lại hiệu quả kinh tế nên ông Điểm vẫn tiếp tục đầu tư chăm bón cho diện tích măng tre của gia đình. Khi đến vụ măng, ông vận chuyển sản phẩm đi bán ở khắp các chợ trong huyện, có khi cả ở các chợ của T.P Thái Nguyên. Thời điểm măng ra nhiều bán không kịp, gia đình ông còn phơi măng khô chờ đến dịp gần Tết đem bán. Mỗi năm, đồi măng vẫn đem lại nguồn thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình ông.
Kể từ vụ măng 2009 đến nay, niềm vui lại đến với ông khi măng bắt đầu được giá, sức tiêu thụ mạnh. Các thương nhân buôn măng từ thị trấn Đình Cả, T.P Thái Nguyên đã đến tận gia đình ông thu mua. Giá măng cũng tăng lên 3.500 - 4.000 đồng/kg. Từ hơn 40 khóm tre Bát Độ, gia đình ông đã thu hoạch được khoảng trên 3 tấn măng tươi, đem lại thu nhập trên 11 triệu đồng. Vụ măng năm nay, thời tiết thuận lợi, cây tre Bát Độ phát triển rất tốt, măng ra nhiều và mập hơn, có củ măng nặng tới 5kg nên gia đình ông đã thu hoạch được gần 4 tấn măng, với giá thu mua tại nhà là 4.000 đồng/kg, đem lại thu nhập trên 15 triệu đồng. Do nhu cầu tiêu thụ măng ngày càng tăng, ông Điểm dự định trong thời gian tới sẽ quy hoạch lại diện tích đất đồi của gia đình để mở rộng diện tích, trồng mới khoảng 100 khóm tre Bát Độ...