Khi trò chuyện với chúng tôi về việc thực hiện Cuộc vận động “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị Phạm Thị Minh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Tân Sơn, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) đã tự hào kể cho chúng tôi nghe về phong trào thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình của các hội viên trong Chi hội.
Theo chị: Từ gần chục năm nay, các thành viên trong Chi hội phụ nữ xóm đã có tinh thần giúp đỡ nhau không chỉ ngày công lao động, mà cả tiền vốn vay đầu tư phát triển kinh tế hộ. Tuy không nhiều, nhưng những đồng tiền vay được sử dụng đúng mục đích đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chính vì thế mà đời sống của bà con nhân dân xóm Tân Sơn nhanh chóng ổn định và từng bước thoát nghèo.
Về Tân Sơn, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình nghĩa con người nơi đây. Đó là những con người biết sẻ chia, biết nhường nhịn và có tinh thần đùm bọc nhau, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chị Dương Thị Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Từ trước năm 2000, một số chị em trong xóm Tân Sơn đã tự tổ chức thành từng nhóm, tổ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế. Bằng cách làm tự nguyện theo sở thích, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, mỗi chị góp quỹ 1 tháng khoảng 20 nghìn đồng, sau khi họp tổ, bình xét, chị em nào có hoàn cảnh khó khăn nhất thì được nhận trước số tiền này. Từ hiệu quả hoạt động của tổ tiết kiệm tự phát, đến năm 2007, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chính thức vận động Chi hội phụ nữ xóm thành lập Câu lạc bộ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế, tạo cho chị em có một “sân chơi” lành mạnh, phù hợp với điều kiện của mình. Ban đầu Câu lạc bộ có hơn 30 hội viên tham gia, gần 1 năm sau đã phát triển lên 54 thành viên sinh hoạt tại 3 tổ. Đến đầu tháng 9 năm nay, câu lạc bộ có 70 thành viên tham gia sinh hoạt tại 5 tổ...
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, đồng thời là thành viên câu lạc bộ: Hiện nay xóm Tân Sơn có hơn 90 gia đình, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, đất đai sản xuất không đủ nên hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều ra ngoài làm thuê, còn lại ở xóm chủ yếu là người già và trẻ em. Với việc ra đời câu lạc bộ, ngoài ý nghĩa tiết kiệm để giúp nhau phát triển kinh tế, đây còn là nơi để chị em “thì thầm” to nhỏ, bày cho nhau cách xoá đói giảm nghèo. Để câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, các tổ tự quản lý, đôn đốc nhau. Câu lạc bộ được bố trí thành nhiều tổ, ở mỗi tổ có mức đóng góp khác nhau, như tổ góp vốn 50 nghìn đồng/người/tháng; tổ góp vốn 600 nghìn đồng/người/tháng và tổ góp vốn 200 nghìn đồng/người/tháng...
Với các tổ có mức đóng góp 50 nghìn đồng/người/tháng, chị em đóng góp 1 lần vào trung tuần hàng tháng. Với tổ đóng góp 200 nghìn đồng/người/tháng, các thành viên có thể đóng 1 lần/tháng. Nhưng với tổ đóng góp 600 nghìn đồng/người/tháng, chị em đóng góp làm 3 lần/tháng. Làm như thế các thành viên dễ bảo nhau và mỗi người cũng không bị “hụt hơi” khi nhập cuộc. Để các thành viên nhanh được nhận tiền, mỗi chu kỳ được các tổ tiết kiệm thực hiện là 1 lần/tháng. Các thành viên khi được nhận tiền đều đã có kế hoạch sử dụng khoa học.
Chị Phạm Thị Nguyên, một trong những người tham gia câu lạc bộ cho biết: Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, chị em chúng tôi có điều kiện gần gũi nhau hơn, đơn giản như trao đổi việc nuôi gà, chăn lợn, thu hái, xao sấy chè, cách nuôi dạy con... Qua đó chị em chúng tôi hiểu, thông cảm cho nhau và có hướng giúp đỡ nhau về việc lập kế hoạch sử dụng đồng tiền khi được nhận, cách thiết kế chuồng trại chăn nuôi hoặc mua phân bón cho cây trồng. Riêng tôi đã 2 lần được rút tiền, dành để đóng học phí cho con.
Mỗi người có một hoàn cảnh, như: Kinh tế gia đình khó khăn, chồng ốm, con đi học xa... nên khi có những đồng vốn ra tấm, ra món thì chị em lại làm được một công việc lớn hơn cho chính gia đình mình. Chị Bùi Thị Lý và chị Dương Thị Màu là một minh chứng. Sau khi được nhận tiền của tổ tiết kiệm với hơn 1 triệu đồng, các chị dành mua đàn gà, thức ăn chăn nuôi. Chỉ sau 1 năm nhà các chị đã có hàng trăm con gà. Còn chị Triệu Thị Mơ đã dành số tiền của lượt mình rút mang mua cám chăn lợn. Chị bảo: Bằng cách góp tiền với tổ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế, nên vừa rồi tôi không phải bán lợn non vì hết cám…