Vẫn còn tình trạng phải chuyển vốn cho công trình khác

08:43, 29/09/2010

Theo kế hoạch phân bổ vốn năm 2010, nguồn vốn ngân sách địa phương cân đối và hỗ trợ có mục tiêu của Thái Nguyên phân bổ trong kế hoạch năm là 426 tỷ 600 triệu đồng; tổng số vốn đầu tư phát triển bố trí để triển khai thực hiện các chương tình mục tiêu Quốc gia, chương trình 135 và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là 132 tỷ 065 triệu đồng; vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án giao thông, thuỷ lợi, dự án thuộc ngành Y tế; kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và dự án nhà ở sinh viên được giao là 434 tỷ 072 triệu đồng.

 

Theo đánh giá chung, tổng khối lượng thực hiện của các nguồn vốn trên đén 31/8 thực hiện được 747tỷ 458 triệu đồng, thanh toán đạt 663 tỷ 091 triệu đồng, đạt 67% kế hoạch . Trong đó có nhiều nguồn vốn thực hiện giải ngân đạt khá theo kế hoạch là: đầu tư y tế tỉnh, huyện  (92%); hạ tầng du lịch (77%); hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở xã (75%); đề án tin học hoá cơ quan Đảng (97%); chương trình mục tiêu về văn hoá (75%); đầu tư bệnh viện tuyến huyện (92%); kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn II (95%); đầu tư nhà ở sinh viên (100%)…

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số dự án đã được ghi vốn khởi công mới ngay từ đầu năm, nhưng tiến độ triển khai các thủ tục để khởi công xây dựng công trình còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Hoặc do thay đổi chính sách về hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) theo Nghị định 69, hầu hết các dự án, công trình có chi phí BTGPMB liên quan đến đất nông nghiệp phải điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư, đặc biệt là các dự án hồ đập thuỷ lợi, kinh phí bồi thường phát sinh nhiều nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư. Qua số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến 31/8, còn 51 dự án thuộc các nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Có những dự án giải ngân quá thấp như: Dự án hỗ trợ đầu tư Trung tâm Lao động xã hội (5%); đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (11%)…

 

Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: “Tại văn bản số 5245 ngày 29/7/2010 của Bộ KH&ĐT chỉ đạo một số nội dung liên quan đến công tác kế hoạch đầu tư XDCB  năm 2010 nêu rõ: Tính đến 30/6, các công trình dự án được bố trí trong ngân sách Nhà nước chưa có khối lượng thực hiện hoặc khối lượng thực hiện dưới 30% và giải ngân dưới 30% (đối với vốn trái phiếu Chính phủ tỷ lệ giải ngân dưới 25%) thì điều chuyển cho các công trình dự án khác có khối lượng thực hiện hiện vượt kế hoạch đã giao nhưng chưa đủ bố trí đủ vốn trong kế hoạch năm; các công trình đã được phê duyệt trong quy hoạch và có khả năng thực hiện trong năm nhưng chưa được bố trí vốn. Dựa vào văn bản trên, Sở KH&ĐT đã đề nghị UBND tỉnh đồng ý phương án điều chuyển vốn 12 dự án chậm giải ngân tính đến thời điểm 31- 8, gồm nguồn ngân sách tập trung điều chuyển 3,3 tỷ đồng của các dự án chậm giải ngân để trả nợ các dự án hoàn thành quyết toán trong năm; điều chuyển 1tỷ 250 triệu đồng của dự án hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án thuộc nguồn đầu tư thực hiện theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị”

 

Trong 12 dự án Sở KH&ĐT đề nghị chuyển vốn có một số dự án đến 31/ 8 chưa thực hiện giải ngân được đồng nào như: Dự án sửa chữa cải tạo Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ em tần tật Bắc Thái (là dự án hoàn thành; kế hoạch bố trí vốn năm 2010 là 1 tỷ đồng; đến 31/8 chưa giải ngân đồng nào; dự kiến chuyển vốn 500 triệu đồng). Dự án Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục lao động xã hội huyện Phú Bình (tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng, chưa giải ngân, dự kiến điều chuyển vốn 100%); khu xử lý rác thải thị trấn Hương Sơn, Phú Bình- là dự án chuyển tiếp (kế hoạch vốn đã bố trí 800 triệu đồng, chưa giải ngân, dự kiến chuyển vốn 100%); Trường THPT Trại Cau (kế hoạch vốn 3 tỷ đồng, giải ngân được 204 triệu đồng, dự kiến điều chuyển 500 triệu đồng)…Qua làm việc với ông Hồ Văn Thắng, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ em tần tật Bắc Thái  (một trong những dự án Sở KH%ĐT đề nghị chuyển vốn), ông cho biết: “Dự án nâng cấp, cải tạo sửa chữa Trung tâm đến thời điểm này đã gần hoàn thành, chỉ còn khu vực Phòng mổ chưa cải tạo được). Tuy nhiên, do đặc thù công việc, công trình vừa sửa chữa, vừa phải duy trì công tác khám chữa bệnh hàng ngày nên việc cải tạo (gồm các hạng mục như: trát lại tường, lăn sơn, lát nền nhà, sửa chữa hệ thống điện, nước, mángá nước, mái nhà…) không được thường xuyên nên không bảo đảm về mặt thời gian. Bên cạnh đó, Trung tâm được xây dựng đã lâu (đã 13 năm), nhiều hạng mục hư hỏng nặng và phát sinh trong quá trình sửa chữa. Công trình có tổng kinh phí được phê duyệt ban đầu trên 2,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh cấp, thực hiện trong 2 năm (2009-2010). Do kinh phí có hạn nên mỗi năm tỉnh chỉ bố trí 1 tỷ đồng, cộng với phần phát sinh thêm nên đến thời điểm này, Trung tâm vẫn chưa sửa chữa được hạng mục Phòng mổ vì lưu lượng bệnh nhân đến rất đông, Trung tâm phải làm việc liên tục theo chương trình nhân đạo, trong khi đó, khối lượng phát sinh cũng chưa tính được. Hiện Trung tâm đang lập hồ sơ để báo cáo trình duyệt. Tuy nhiên, đầu tháng 9-2010, Trung tâm đã thực hiện thanh toán cho đơn vị thi công được 700 triệu đồng. Hết tháng 9-2010, Trung tâm sẽ thanh toán hết 1 tỷ kinh phí được cấp”.

 

Được biết, không chỉ các chương trình, dự án nằm trong kế hoạch Nhà nước chậm tiến độ mà ngay cả một số công trình từ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cũng không được các đơn vị nhận tài trợ “chớp thời cơ” để tranh thủ nguồn vốn, có thêm công trình phục vụ nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương. Đơn cử như: Công trình Trường Mầm non Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), năm 2010, được Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (NHCTVN) tài trợ 2 tỷ đồng để xây dựng một nhà 2 tầng, 8 lớp học. Mặc dù giữa Ngân hàng và UBND thành phố đã ký cam kết triển khai thực hiện từ tháng 2-2010, nhưng đến thời điểm này, Ngân hàng đôn đốc mãi, công trình vẫn dừng ở bước san lấp mặt bằng. Nếu có khởi công ngay trong tháng 10-2010 cũng không thể xong ngay theo tiến độ đã cam kết. Theo chị Nhữ Thị Thảo, Phó Giám đốc NHCTVN, Chi nhánh Thái Nguyên- đơn vị được uỷ quyền triển khai thực hiện công tác tài trợ - cho biết: “Theo cam kết với NHCTVN, trong tháng 11-2010, Ngân hàng đã phải nghiệm thu công trình, hoàn thiện hồ sơ và quyết toán xong. Thế nhưng, đến bây giờ thành phố Thái Nguyên vẫn chưa khởi công công trình thì tháng 11 sẽ khó có công trình nghiệm thu, quyết toán. Vì, ở địa bàn tỉnh năm nay NHCTVN đang tài trợ gần 10 tỷ đồng, các công trình khác đã ở giai đoạn hoàn thiện. Chỉ riêng công trình Trường Mầm non Túc Duyên chưa được xây dựng sẽ gây khó khăn cho công tác quyết toán và khả năng còn bị cắt vốn tài trợ”. 

 

Mỗi dự án giải ngân chậm đều có những lý do riêng và khi phải điều chuyển vốn mới “vội vàng” thực hiện cho bằng được. Đối với một ố nhiệm vụ có thể đẩy nhanh tiến độ bằng thời gian. Nhưng với các công trình xây dựng mà “nước đến chân mới nhảy” để rút ngắn thời gian để thanh quyết toán kịp thời khi thời gian không còn nhiều, e rằng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Ai cũng hiểu rằng: việc giải ngân chậm sẽ gây lãng phí tiền của Nhà nước; gây thiệt thòi đến các đối tượng liên quan vì chậm được hưởng lợi từ công trình; ảnh hưởng đến kế hoạch, sự phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương.  Tuy nhiên, “căn bệnh” này lâu nay vẫn chưa được các đơn vị, địa phương quan tâm. Trừ những nguyên nhân khách quan “bất khả kháng”, qua tìm hiểu chúng tôi được biết vẫn là do trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị, địa phương quản lý chương trình, dự án chưa có sự sát sao, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời trong quá trình thực hiện công trình, dự án. Đây là vấn đề các đơn vị, địa phương cần quan tâm để đẩy lùi “căn bệnh” trên.