Giảm nghèo bằng cây bản địa

14:42, 15/10/2010

Chuối tây là cây bản địa đã được bà con nông dân ở các xã Tứ Yên (Yên Ninh, Yên Trạch, Yên Lạc, Yên Đổ) của huyện Phú Lương trồng từ nhiều năm nay và sản phẩm chuối tây ở đây thơm ngon hơn so với chuối tây trồng ở các địa phương khác.

 

Vì thế tiểu thương thường đến các xã nói trên để thu mua, nhất là vào mùa lễ hội. Một số hộ dân ở hai bên Quốc lộ 3 (thuộc địa phận xã Yên Ninh) còn mở quán bán hàng để bán “đặc sản” chuối tây cho khách đi đường…

 

Do có khả năng thích nghi với thổ nhưỡng, sản phẩm dễ tiêu thụ, giá cao nên 2 năm trở lại đây huyện Phú Lương đã quyết định chọn cây chuối tây là một trong những loại cây trồng được hỗ trợ để khuyến khích nhân rộng. Đặc biệt là trong năm 2010, huyện đã quyết định chọn đây là cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân và chỉ đạo các xã vùng Tứ Yên quy hoạch vùng chuyên trồng cây chuối tây để tạo vùng nguyên liệu, từng bước xây dựng thương hiệu đối với loại cây đặc sản này. Anh Trần Nho Hưởng, Phó trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và PTNT (nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương - chủ nhiệm Đề tài phát triển cây chuối tây vùng Tứ Yên) cho biết: “Sau khi đưa một số loại cây trồng vào thực hiện ô mẫu trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy cây chuối tây có hiệu quả kinh tế khá cao và bà con nông dân đã trồng nhiều năm nên có khả năng nhân rộng. Để phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung, huyện đã hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp bà con trồng chuối ra buồng đúng thời điểm giá cao và dễ bán nhất…”.

 

Vùng chuối tây đặc sản ở các xã vùng Tứ Yên của huyện được quy hoạch rộng khoảng 500ha, nằm ở những vùng ven núi đá và đến nay bước đầu đã cải tạo được 10ha, trồng mới 11ha với gần 100 hộ dân tham gia. Đặc biệt là để có giống chuối tây đảm bảo chất lượng, huyện Phú Lương đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên nhân giống 1ha chuối tây theo phương thức nuôi cấy mô.

 

Theo tính toán bước đầu của một số người dân chuyên trồng chuối tây ở các xã vùng Tứ Yên, 1ha chuối tây trồng được 2.000 gốc và sau một năm đã cho thu hoạch với giá trị kinh tế khoảng 70 triệu đồng/ha (từ năm thứ 2 sẽ tăng lên do một gốc chuối sẽ có nhiều thân cây và có thể cho từ 3 tới 5 buồng/gốc). Anh Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc khẳng định đối với đất đồi có độ dốc thấp, đất chân núi đá trồng chuối tây là thích hợp và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Nếu thuận lợi về đầu ra thì tại xã Yên Lạc có thể phát triển tới 70ha chuối tây. Còn anh Nguyễn Quốc Tuấn ở xã Yên Trạch đã trồng khảo nghiệm 1.000m2 chuối tây cũng khẳng định cây trồng này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng bà con đang canh tác tại địa phương. Năm 2010 này xã Yên Trạch đã tiến hành trồng thử nghiệm 2ha chuối tây tại các xóm Bản Héo, La Hiên. Chi phí trồng 1ha chuối tây đúng kỹ thuật thâm canh hết khoảng 25 triệu đồng (được huyện hỗ trợ một phần giá giống, phân bón) nhưng có thể cho thu sản phẩm liên tục trong 5 năm. Ngoài giá trị kinh tế, cây chuối tây còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải tạo đất, chống xói mòn, vì thế trong năm đầu trồng chuối bà con nông dân còn có thể tận dụng đất trồng thêm một số loại cây màu ngắn ngày.

 

Xét về nhiều mặt, cây chuối tây không chỉ giúp giảm nghèo mà còn tạo thêm điều kiện thuận lợi để người dân ở các xã vùng Tứ Yên của huyện Phú Lương đầu tư thâm canh, từ đó có thể làm giàu từ loại cây bản địa này.